Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KỲ 12

    Hè 1990, gần mười năm thăng trầm ở đất Dầu Giây, Khánh Phương đã học lóp 11, Thục Nghi được tuyển thẳng vào lớp 10, Khánh Phi lớp 6, Khánh Vỹ lớp 5. Mình gửi Khánh Phương ở nhà anh Thăng – chị Thanh, anh Thăng dạy toán có tiếng ở trường Nguyễn Trải – Hố Nai – Biên Hòa.
    Những câu chuyện vượt biên lan truyền, tài công có giá được mang theo cả gia đình. Cả nhà lên Saigon, tá túc nhà chị Mỹ - anh Vũ, chờ ra đi. Chiếc ghe mỏng manh, chèo tay (taxi) đón cả nhà dưới cầu Hiệp Ân – Quân 8, mình mang theo chiếc la-bàn, hải đồ do Nguyễn Văn Vy (cùng khóa – USA) giao cho. Nước ngược dòng, tay chèo ra sức, đến điểm hẹn đã quá nửa đêm, bốn bề mênh mông nước, rừng đước ngút ngàn, không một bóng người. Mặt trời đã ló dạng ửng hồng, không một thông tin, anh lái xuồng con ngơ ngác, mình năn nỉ chở về, hứa cho hết những gì mang theo…Gần trưa, ghe tấp vào bến phà Bình Khánh, phía Nhà Bè, tay vẫn ôm khư khư la bàn, cả nhà phờ phạc, con cái đói meo, lên xe lam về lại nhà chị Mỹ.  
    Phạm Hữu Phước “mách” mối khác, gởi nhà cho Thầy Quí, gởi xe đạp, chiếc TV 9”, mấy con gà cho Phước. Cả nhà lại lên đường, “hướng dẫn viên” mang giúp hành trang, mời lên xe đò. Đến chợ Thái Bình, ngồi chờ đến tối không thấy ai hỏi !
Vậy là áo quần tốt nhất mang theo, bay vù theo “hướng dẫn viên”. Về nhà, nhận lại những đồ đã gửi cho Phước, chỉ thiếu mấy con…gà ! Sau chuyến này, Thái, Phương, Nghi sợ hết hồn, không dám nghĩ đến chuyện ra đi !
    Mình mang theo Phi (12), Vỹ (11 tuổi) lần xuống Cần Thơ, Rạch Giá, Cần Giờ, Tân Cảng… con ngây thơ, đi theo ba là thích. Ngủ bến xe, trên con tàu đang sửa chữa ở bên Ninh Kiều, cơm hàng cháo chợ…Tàu còn trên sông, nghe súng bắn đùng đùng, con tưởng pháo Tết ! Rồi lại về Dầu Giây, không dép, không giày…
Du lịch trên sông Saigon
    Nhân dịp cậu Bốn vào chơi, mình theo cậu lên Saigon, ghé thăm chị Bích – Anh Hà Cân, chồng chị, GĐ sân bay Tân Sơn Nhất) – Chị Bích hợp tác đóng chiếc tàu, kinh doanh du  lịch, nhưng chưa có tài công, chị gợi ý lên giúp chị. Vậy là mình xin nghỉ day một năm, không biết công việc thế nào, nếu “hỏng giò” thì chết ! Anh Ba – Trưởng phòng Giáo Dục – đồng ý.
    Khi tàu đi vào hoạt động, ngoài tiền lương, còn có tiền “tip” của khách, thu nhập gấp nhiều lần khi còn đi dạy. Bến tàu thuộc công viên Bạch Đằng – Saigon. Chú Bình – Công an đường sông – nhận đồng hương Quảng Nam, chú sốt sắng mời về nhà chơi. Mình nhờ chú cho Thục Nghi, Khánh Phi ở nhờ đi học, hơn nữa chú thường vắng nhà, cô Huệ đơn chiếc. Nghi học lớp 11, Phi học lớp 8.
    Mình xin đi học lớp thuyền trưởng tàu sông hạng 3, có sự giúp đở của chú Bình, mình lái tàu kiêm hướng dẫn viên bất đắc dĩ, Khách đủ quốc tịch. Một đoàn khách Đài Loan, trong đó có ông Simon Chiu, tìm hướng đầu tư, thời gian này nhà Nước chưa cho phép người nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Bằng tiếng Anh đủ hiểu, mình góp ý nhờ người thân tại Việt Nam. Ông Simon đề nghị mình giúp tìm hiểu thủ tục và gợi ý giúp việc cho ông, mời đến 240 Võ Văn Tần, Quân 3…
    Mình chỉ bận rộn vào ngày Lễ hay ngày nghỉ. Thường từ 16, 17g là có khách, đôi khi khách tự tìm đến hoặc do nhân viên văn phòng Vidotour, mỗi chuyễn 2,3 tiếng đồng hồ, cả đi và về, mỗi giờ từ 1o đến 15 dollars. Được sống ở Saigon là mong ước, có môi trường tốt cho con học hành. Qua Tết 1991 (Tân Mùi), những chiếc tàu du lịch kinh doanh hợp pháp, bị canh tranh bỡi những chiếc xuồng con, từ Thủ Thiêm tràn qua, hấp dẫn khách du lịch hơn đồng thời giá rẽ. Tiếng Anh của anh em thuyền chài thật siêu đẳng, nếu muốn nói 5 dollars, thì giang hai tay ra, miệng nói “Ten dollars”, sau đó dùng bàn tay chặt “bụp” ở giữa, vậy là Tây hiểu liền, OK, OK lia lịa.
    Tháng Giêng bắt đầu ế khách, chị Bích quyết định đột ngột :”bán tàu !” Mình bất ngờ, hốt hoảng như lăn xuống địa ngục ! Lấy gì cho con ăn, học ở Saigon ? Nhà thuê của chú Đạt ? Không lẽ về Dầu Giây, tiếp tục gõ đầu trẻ ?
    Sực nhớ đến ông Đài Loan – Simon Chiu _ Mình tìm đến 240 Võ Văn Tần, ông Simon niềm nở, vào thẳng vấn đề :” Giúp Tùng (em cô Hồng – người thân ông Simon) xin giấy phép kinh doanh, thuê mặt bằng, lập xưởng sản xuất “Beachball” – Vợt bóng nước – Tìm nguồn nguyên liệu, ván ép, liên hệ công ty xuất nhập khẩu (Bitex – Q.6). Mình thở phào nhẹ nhỏm, có quới nhân phù hộ !
 Từ trái : Ô.Simon Chiu, khách hàng và mình
    Khi thành lập công ty Tân Việt Thành, ông Simon mua căn nhà 382/9 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 làm văn phòng. Mình liên hệ thuê xưởng, thuộc Kho vận Thủ Đức để gia công, hàng xuất sang Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha…
Beach Ball
    Tháng lương đầu tiên, ông Simon gửi mình bằng một phong bì lịch sự : 200 USD ! (bằng 4 chỉ vàng), hơn hai triệu đồng (10.500 VND/USD) ! gấp 10 lần chị Bích trả lương. Vậy là các con có điều kiện học hành, mình bàn với Thái xin nghỉ dạy để lo cho các con, căn nhà chú Đạt ở Q.5 tiếp tục thuê…
Cùng anh em trong công ty - "Swimming Pole"

    Năm 1991, Phương thi Đại học hỏng, mình xin cho Phương phụ bán cà phê ở sân bay Tân Sơn Nhất, chờ ôn thi. Rồi lại cho xuống xưởng Thủ Đức làm công nhân, đi bằng xe đạp 30 cây số. Hơn một tháng, Phương đã ý thức việc học là quý,  năm sau đỗ ba trường và đã chọn đại học kinh tế. Năm 1992, Thục Nghi tốt nghiệp cấp 3, mình xin ông Simon cho nghi vào làm kế toán, vừa học vừa làm…Lại xin cho Thái làm cấp dưỡng, đang làm cô giáo, lại chuyển nghề đi chợ, nấu ăn ! Cũng vì cuộc sống mà thôi.
    Thời gian sau, ông Simon có đơn đặt hàng làm “swimming Pole” – Hồ bơi trẻ em – nhập thêm máy móc, nguyên liệu về gia công, tuyển thêm công nhân và huấn luyện, chia ca làm suốt ngày đêm…
Đến bây giờ, ông SIMON CHIU vẫn là NGƯỜI BẠN LỚN của gia đình mình. Thật đau buồn khi nghe tin ông đã qua đời, sau cơn bạo bệnh, ông SIMON CHIU mất tại Đài Loan ngày 21.10.2012, hưởng dương 52 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét