Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

TRƯỜNG SAO MAI - ĐÀ NẴNG


 Trang  bìa  "An Vui và Tình Thương", 
Đặc San Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Trường Trung Tiểu Học Sao Mai
của cựu học sinh Sao Mai khắp thế giới. ( khungtroisaomai.com )
WGPĐN:  Hậu cảnh của bức hình là cây cầu Sông Hàn được xây dựng 10 năm về trước, biểu tượng cho sự phát triển của Thành phố Đà Nẵng ngày nay, gợi lên bao tâm tình đáng yêu của cựu học sinh Trường Sao Mai đối với ngôi trường, với thầy cũ bạn xưa và Thành phố quê hương thân yêu của mình. Điều này chứng tỏ các học sinh của trường ngày xưa đã được hấp thụ môn "Giáo Dục Công Dân" rất nhuần nhuyễn: tâm tình biết ơn, lòng yêu nước,  tôn trọng lịch sử... Cạnh đấy là Cổ viện Chăm, "người chị em hàng xóm" xinh đẹp của ngôi  trường, và hình Nhà thờ Chính Toà Đà Nẵng bên phải, diễn tả sự khăng khít của Trường Sao Mai và Giáo phận Đà Nẵng,
hôm qua cũng như ngày nay.

Sao Mai Đà Nẵng, Nhớ Mãi Một Ngôi Trường
Linh mục Nguyễn Trường Thăng

Trung Tiểu Học Tư thục Công giáo Sao Mai Đà Nẵng.

             Trước năm 1954, miền dất Tourane và Quảng Nam không mấy quan trọng  đối với giáo phận Qui Nhơn. Đây là vùng Cực Bắc của một giáo phận kéo dài từ vùng giáp ranh tỉnh Phan Thiết và Ninh Thuận cho đến phía Nam Đèo Hải Vân. Nơi mà dấu ấn bách hại, chiến tranh, thiên tai và nghèo đói rất đậm nét. Giáo dân thưa thớt với khoảng 15.000 người. Trước đó, vào đầu thế kỷ 20, năm 1905, với luật “tách biệt đạo đời” (séparation de l’Eglise et de l’Etat) của Chính phủ Cách mạng Cấp tiến Pháp, giáo hội gặp rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục con em. Tại Tourane (Đà Nẵng), nhượng địa của Pháp (protectoriat français), tình hình chính trị Pháp Quốc ảnh hưởng trực tiếp. Qua năm 1905, nhiều dấu hiệu căng thẳng. Ở bệnh viện, các nữ tu Phaolô phải nhường chỗ cho công nhân viên chức. Tại bệnh viện, các linh mục không được đến ban bí tich sau hết nếu bệnh nhân không yêu cầu (??!!), nếu cần, phải có ít ra hai người chứng. Cố Guerlach từ Kontum xuống dưỡng bệnh, đồng lúc làm tuyên uý bệnh viện và coi sóc họ đạo Tourane. Con số người Pháp là 220 người và 130 lính nhưng con số dự lễ Chúa Nhật chỉ 40 người. Ngày Phục Sinh cũng chỉ có vài bà đầm và 5, 6 người lính. Những chi tiết nầy chứng tỏ chính quyền Pháp ở đây không phải là chỗ dựa của Giáo Hội như nhiều người suy diễn. Trong chương trình chung chống phá Giáo Hội, Camille Paris, thuộc Hội Tam Điểm, đã viết bài công kích các thừa sai, đặc biệt là cố Thiên (Jean Donatien Maillard, MEP), cha sở họ Phú Thượng. Cố Thiên buộc lòng phải lên tiếng và cha Guerlach đã biện hộ cho ngài trong tác phẩm Oeuvre Néfaste , nhờ đó chúng ta hiểu thêm về biến cố Phú Thượng.
          Để đối phó với phong trào chống đạo của gíới thực dân Pháp, “duy vật  và vô thần’’ năm 1910, cố Khánh Saulot đã mở tư thục công giáo tại Đà Nẵng : Trường thánh Giuse bên cạnh nhà thờ, lúc đó còn lợp tranh. Vào năm 1913, họ đạo An Ngãi  có 778 giáo dân với năm họ nhánh. Phú Thượng có một cha sở và hai cha phó Việt. Giáo dân các họ chính, họ nhánh là 3344 người; trong đó họ chính có 1450 giáo dân. Cũng năm nầy Lệ Sơn có 1077 giáo dân và tách ra thành họ chính do một linh mục Việt Nam là cha Dung  coi sóc. Giáo dân các họ nầy  bắt đầu xây trường học chữ quốc ngữ. Cũng năm nay Đức Cha Mẫn (Grangeon),Giám mục Địa phận Qui Nhơn,  ra thư chung yêu cầu lập trường dạy chữ quốc ngữ khắp nơi trong địa phận. Những thông tin trên cho chúng ta thấy giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của giáo hội  lữ hành để phục vụ con người bất kể tôn giáo.
        Trước năm 1940, Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi đã ủng hộ việc xây dựng một trường nữ trung học tại làng La Qua, Điện Bàn giao cho các nữ tu Phan Sinh truyền giáo coi sóc, nhưng mới  xây dựng một trạm xá thì Đại chiến thứ 2 bùng nổ, rồi  Nhật đảo chính, Cách mạng tháng tám, chiến tranh Việt- Pháp... xảy ra. Mọi dự định trở về số không!
        Sau năm 1954, hòa bình tạm thời được tái lập, người dân Miền Nam xây dựng lại mảnh đất cha ông đã “đạn cày lên đạn”.
        Các linh mục coi sóc các họ đạo nhanh chóng thiết lập các trường học. Trường Sao Mai với các lớp Tiểu học và các lớp Đệ nhất cấp (thất, lục, ngũ, tứ) đã hoạt động từ niên học 1954-1957). Để đáp ứng nhu cầu của Thị xã Đà Nẵng đang lớn mạnh, giáo hội địa phương do cha Hạt trưởng Giuse Lê Văn Ấn, sau làm giám mục tiên khởi Giáo phận Xuân Lộc, thấy cần quan tâm hơn nữa cho giáo dục. Trong bối cảnh đó, năm 1957, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được bổ nhiệm coi sóc giáo phận Qui Nhơn. Một trong những việc ngài xúc tiến ngay là vấn đề giáo dục công giáo. Những ngôi trường khang trang hiện đại đua nhau mọc lên khắp giáo phận từ Tuy Hòa (Đặng Đức Tuấn), Qui Nhơn (Trinh Vương)  đến Đà Nẵng.
          Đừng tưởng dưới chính thể ông Ngô Đình Diệm, Giáo hội Công giáo có “toàn quyền” muốn làm gì thì làm. Hãy đọc đoạn công văn sau đây “

Vấn đề tên các trường tư-thục
Từ mấy tháng nay, người ta thắc mắc về  vụ nhiều trường công-giáo gặp khó khăn trong việc xin thành lập hoặc hợp thức hoá, vì cái danh hiệu đặt cho trường không vừa lòng nhà đương cục.
Mới đây, bảng Công-văn số 1304-GD/HV/TR, đề ngày 25-1-58,  ông Trần-bá-Chức, Tổng Giám-đốc Học-vụ, Bộ Quốc-gia Giáo-dục đã giải quyết như sau:
Khi một tư-nhân hay một đoàn-thể xin mở một trường tư- thục và xin phép cho trường ấy mang tên một kỷ-niệm lịch-sử đã dùng đặt tên cho một trường công rồi (như các danh-hiệu: Trần-hưng-Đạo, Chu-văn-An, Phan-thanh-Giản, v.v...) Bộ Giáo-dục tin cho người đứng đơn, nên theo tinh-thần thông-tư kể trên chọn một danh-hiệu khác để khỏi trùng tên với trường công.
Riêng về tên các vị thánh hoặc danh nhân Công- giáo, Nha tôi xin nói rằng việc chọn một tên như vậy để đặt cho trường không hề là một trở ngại cho việc cấp giấy phép mở một tư-thục mới hoặc hợp-thức-hoá một tư-thục đã được phép mở trước ngày ban hành Dụ 57/ 4  ngày 25/10/56.
Nếu có nơi nào gặp bất-trắc về vấn-đề này, yêu-cầu cho ban Học-chính Địa-phận biết các chi-tiết cần-thiết để can-thiệp chấm dứt tình-trạng ấy.”
--------------------------------------

 Người Sáng Lập Trường Trung Học Sao Mai : 
Đức Cha  Giuse Lê Văn Ấn - Nguyên Giám mục Tiên Khởi Giáo phận Xuân Lộc,
Là Linh mục Tổng Đại Diện Giáo phận Đà Nẵng khi thành lập trường.
Nguồn: Internet.

          Cha sở Giuse Lê Văn Ấn là một người cũng từng du học tại Rôma , nên ngài rất tâm đắc với việc xây dựng một trường Trung học Đệ nhị cấp hiện đại . Nhưng tiền ở đâu? Phong trào bấy giờ là Xổ số Tombola.

Tombola giúp việc Kiến-thiết trường Trung- học Công-  giáo Đà-nẵng. Cha Lê-văn-Ân vừa được  phép nhà  cầm-quyền  cho tổ- chức một cuộc xổ số với 500.000 vé. Số độc-đắc sẽ được một vật đáng giá 500.000 đồng. Mục-đích là để giúp việc Kiến-thiết một Trường Trung-học tư-thục nam sinh cho các con em bất phân tôn-giáo. Lối tháng 3 sẽ phát-hành và ngày 15-8-58 sẽ mở số.”

          Trên khoảng đất rộng một hecta, gần Cổ Viện Chàm và sông Hàn, một ngôi trường cao tầng được khởi công xây dựng. Ngày 30 - 5 - 1959 lúc 16 gìờ Đức Cha Phêrô Maria “khánh Thành Trung Học Sao Mai tại Đà Nẵng ... một trường Trung học lớn và đẹp vào hạng nhất miền Trung’’.
          Ngày Tổng Khai giảng Trung học Đệ Nhị Cấp Sao Mai Đà Nẵng niên học 1959-1960 là ngày 18 tháng 9 năm 1959.

 
Ngày Khai giảng niên khóa 59-60. Nguồn: Internet.
  
          Năm 1964, thống kê đến tháng 7, giáo phận Đà Nẵng có 60 linh mục, 85.094 giáo dân, 4 trường Trung học, 21 trường Tiểu Học.
          Qua năm 1967, con số trường trung học của Giáo phận là 10, học sinh 5.010; số trườngTiểu học là  33 với 20.380 học sinh.
          Như vậy, sau năm 1963, năm Đệ Nhất Cộng hòa sụp đổ, giáo phận vẫn quan tâm đến việc giáo dục.
        Thông tin Địa phận Đà Nẵng năm 1969 cho biết tình hình giáo dục công giáo như sau:

I. Sinh Hoạt Học Đường:
Tính đến nay các trường Trung, Tiểu Học trọng Địa phận ngày một lan rộng. Ở mỗi một Địa sở đều có một Trường Tiểu Học, riêng Trung Học với số Học sinh trên 5.000 được phân chia như sau:
a. Trung Học:
- Trường Trung Học Sao Mai:                                    2.163     Học sinh
- Trường Nữ Trung Học Thánh Tâm                            784       -
- Trường Trung Học Đức Trí (Tam Kỳ)                        835       -
- Trường Trung Học Lê bảo Tình (Phước Tường)     312       -
- Trường Trung Học Gioan XXIII (An Hoà)                 309       -
- Trường Trung Học Vinh Sơn (Sơn Trà                      251        -
- Trường Trung Học Khiết Tâm (An Hải)                     304        -
- Trường Trung Học Hội An (Hội An)                          120        -
- Trường Trung Học Thánh Mẫu (Hoà Khánh)          150        -
- Trung Tâm Hướng Nghiệp (Mỹ Khê)                        112        -
                                                  Tổng cộng:                  5.010     Học sinh

Trong 10 Trường Trung học của Địa phận, đặc biệt các Học sinh khác tôn giáo cũng ghi danh theo học. Các Trường đã tổ chức theo đúng đường lối Giáo dục của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Thành quả về thi cử của các trường Trung Học Đệ nhị cấp khác như Sao Mai, Thánh Tâm, Đức Trí còn hướng các sinh hoạt của trường mình về xã hội như uỷ lạo, phát quà, công tác vệ sinh... tại các bệnh viện. Về Thể dục Trường Sao Mai đã và đang tổ chức những cuộc tranh tài về các bộ môn giữa Học sinh trong Trường hoặc với các trường bạn, thành quả khả quan.

b. Tiểu Học:
Song song với các Trường Trung học, ngành Tiểu học trong Địa phận càng ngày càng bành trướng mạnh mẽ. Sự có mặt của các trường Tiểu học tại mỗi một xứ đủ chứng minh cho sự phát triển nầy. Trong Niên khoá 1967-1968, tại Địa phận có tất cả là 33 Trường Tiểu Học với sĩ số Học sinh là 20.380 người.
 
Ban Giám đốc và Giáo sư Trường Sao Mai. Nguồn Internet.

         Chỉ trong hai năm, số trường Tư thục công giáo Giáo phận Đà Nẵng tăng vọt. Ngày 30-3-1970, Đức khâm sứ Henri Lemaitre thăm Đà Nẵng.
          Theo phúc trình của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Giáo phận Đà Nẵng cho Đức Khâm sứ “Giáo phận có 16 trung học  với 11.170 học sinh. 40 trường Tiểu học với 23.190 học sinh.”
          Thông tin cuối cùng về Trường Sao Mai  trên tờ Thông tin Giáo phận Đà Nẵng tháng 6 năm 1974 cho biết .
 ĐN (CTX): Trường Trung Tiểu Học Tư thục Sao Mai thuộc quyền quản trị của Giáo phận Đà Nẵng, đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 15 năm thành lập, và lễ phát thưởng cuối niên học, vào lúc 9 giờ ngày 1-6-74 tại Hội trường Trưng Vương Đà Nẵng.
Lễ kỷ niệm được đặt dưới sự chủ tọa của Đức Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng, cùng sự hiện diện của ông Chủ tịch Hội Đồng Thị xã Đà Nẵng. Cha Tổng Đại diện Giáo phận. Quý cha, quí tu sĩ, ông Đại diện Khu Học Chánh, quí vị Ty, Sở trưởng. Quí vị Hiệu Trưởng các trường bạn, quí vị ân nhân, quí vị Phụ huynh và hơn 5.000 nam nữ học sinh Trung Tiểu học bản trường.....
Được biết, trường trung Tiểu học Sao mai được xây cất từ 1-5-59. Qua 15 năm hoạt động. Trường hiện có 65 phòng, 25 lớp Tiểu học, 54 lớp Trung học Đệ nhất và nhị cấp. Sĩ số học sinh nam nữ là 5.094 .
Trường đã đạt kết quả về cả hai phương diện, trí dục và đức dục. Đặc biệt, trường đã áp dụng kỷ luật nghiêm minh, nên đã chận đứng được những mầm mống tệ đoan xã hội, gây sự tìn nhiệm nơi giới phụ huynh.”

          Mặc dầu chiến tranh mỗi ngày mỗi ác liệt, dòng người tỵ nạn đổ xô về Đà Nẵng mỗi ngày một đông, nhưng giáo phận không hề chểnh mảng vấn đề giáo dục con người không phân biệt tôn giáo.
          Ngày nay, trong số các cán bộ Nhà nước, hoặc các tôn giáo bạn, nhiều người không giấu diếm việc họ được thành nhân như hôm nay là nhờ học tại các trường công giáo từ thành thị đến nông thôn.
          Chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại trong một thể chế chính trị mới.  Trường Sao Mai vẫn tiếp tục sứ mệnh giáo dục cho đến khi Chính quyền Cách mạng tiếp thu cơ sở, phòng ốc, trang thiết bị. Linh mục Đinh mạnh Phú thay mặt giáo phận kiểm kê bàn giao việc quản lý trường với văn bản rành mạch hiện còn lưu giữ tại Toà Giám Mục. Nhờ những cơ sở giáo dục công giáo và các tổ chức khác, ngành giáo dục non trẻ tại Đà Nẵng do Nhà Nước quản lý tiếp tục sự nghiệp trồng người, khiến công việc giáo dục hậu chiến tại thành phố Đà nẵng và nhiều vùng nông thôn Quảng Nam không hề bị gián đoạn. Ngày nay nhiều người vô tình hoặc cố ý lờ đi những đóng góp đó. Những trường như Thánh Tâm, Sao Mai... dù mang tên mới Trưng Vương, Trần Phú... vẫn là những cơ sở đầu đàn, không bao giờ lạc hậu.
           Viết lên những dòng nầy, khi trường Sao Mai sắp bị triệt hạ sau trên 50 năm góp sức xây dựng trồng người cho thành phố Đà Nẵng thân yêu để nhường chỗ cho con đường Nguyễn Văn Linh nối dài và cây cầu "Khủng Long". Dù có tiếc thương, chúng ta cũng chẳng làm được gì. Nghĩa trũng Đà Nẵng nơi ghi dấu nắm xương tàn của những chiến sĩ vì tổ quốc chống Thực dân Pháp cuối thế kỷ 19, còn bị xóa sổ, huống chi là một ngôi trường công giáo!
         Khi đồng tiền lên ngôi, kinh tế thị trường phát triển, giá trị phù phiếm được coi trọng... thì một ngôi trường, một nghĩa trũng chỉ là một con số không! Vô giá trị ?!!!
        Giáo hội hôm nay, nói theo Hội đồng Giám mục Việt Nam trong thư chung 2007, đành đứng ngoài lề như “một chứng nhân bắt đắc dĩ”. Từ ba vạn học sinh Trung, tiểu học... giáo phận Đà Nẵng nay chỉ quản lý lèo tèo vài Nhà trẻ???!!!
          Trường Sao Mai dù mất đất, mất tên nhưng sự nghiệp giáo dục của trường xưa thân yêu vẫn tiếp tục nơi các cựu học sinh mà không hiếm người công thành danh toại.
         Sao Mai, ngôi sao không bao giờ lặn được. Sao mai vẫn sáng mãi  đêm cũng ngày, dù mây mù, dù đêm đen, mãi mãi sáng trong lòng người và thế hệ con cháu mai sau.

Hội An, 19 tháng 8 năm 2009
Kỷ niệm 50 năm kỷ niệm Tổng Khai giảng Đệ nhị cấp Sao Mai (19-8-1959)
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng
Giáo xứ Hội An.

Tham khảo:

- Mémorial  Mission de Quinhon 1906-1945.
- Thông tin Giáo phận Qui Nhơn và Đà nẵng 1957-1974.
- http://www.khungtroisaomai.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét