Ra trường, mình về trường cấp 1, 2 Bàu Hàm 2 mới xây, do chị Phạm Thị
Bím (Quê Thái Bình) làm hiệu trưởng. Vì thiếu giáo viên cấp 2, mình được “đôn” lên dạy toán khối lớp 9. Lớp do
mình dạy đầu tiên, có học sinh Võ Hoài Linh (con
anh Tòa, chị Lệ Phương – danh hài sau này). Cuối năm thi tốt nghiệp, mình
lại được phân công chấm thi, mình đã nâng đở cho em P. Con lão T. trưởng ấp
ngày nào, với cái giấy mời, không tên tuổi…
Ngã ba Dầu Giây thuộc xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, Tỉnh Đồng Nai, nằm
trên quốc lộ 1A và lộ 20 đi Lâm Đồng, Đà Lạt. Nhiều bà con từ Đại Lộc, Duy
Xuyên, Thừa Thiên, Quảng Trị di tản vào đây, định cư, gia tài mất hết, các em
làm gì có giấy khai sinh ? Mình bảo lãnh, gia đình bổ túc sau, cho kịp năm học
mới. Họp hội đồng, mình bị phê bình mới lạ ! Sao lại tổ chức “bổ túc văn hóa” ? Mình được Nông trường
cao su mời dạy “bổ túc” cho cán bộ,
mỗi tuần ba buổi, gặp Phù Chí Ích (sĩ quan quân cảnh), Ích mua cho bao
thuốc Jet bỏ túi, “- Mầy phải đi giao
tế…”
o O o
Công việc tạm ổn, hè 1984 mình về thăm cha. Một mình cha quạnh quẽ bên
căn nhà tồi tàn, bây giờ rách nát hơn, vợ chồng Ngọc, Lũy thỉnh thoảng về quê.
Đã gần bốn năm rồi, từ ngày ra đi, thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Mình thưa
với cha :”- Chúng con tạm ổn định, con muốn đưa Ba vào ở với tụi con, ở đây một
mình không ai chăm sóc…” Cha suy nghĩ, rồi đồng ý. Căn nhà và hoa lợi trong
vườn, giao cho anh Ngộ.
Cầu Rồng - Đà Nẵng
Hai cha con ra Đà Nẵng, bàn với vợ chồng Ngọc, Lũy. Trước mặt cha và hai
em :”- Anh đưa Ba vào sinh sống cùng anh,
nhà của Ba Mạ, căn trước giao cho vợ chồng Tường Ngọc, căn sau vợ chồng Lũy
Phước…” Mua vé tàu, hai cha con lên đường.
Nguyện với lòng, chăm sóc cha chu đáo, dù cuộc sống còn khó khăn, ở nhờ,
nhưng không sợ đói. Cha thấy hai vợ chồng con đều đi dạy học, nghĩa là được hòa
nhập với cuộc sống như bao người khác. Nếu ở quê miền Trung lại khác, mình nhớ
ơn tất cả mọi người ở Dầu Giây và đất Đồng Nai đã nâng bước chân mình, để bước
tiếp trên con đường còn nhiều gian lao, trắc trở.
Được một thời gian, Cha nói :”-
Đây là vùng đất dễ sống, hay là con về Đà Nẵng bàn với mấy em dời vào đây, muốn
dời thì phải bán nhà…” Nhưng mình nghĩ khác, trước hết các em phải có việc
làm, đừng như con, hoàn cảnh con khác các em. Lúc này Lũy bị mất việc, Tường
không đi rừng nữa, vì mỗi ngày quản lý rừng chặc chẻ hơn. Mình nói với anh Hiền
(GĐ Nông trường Cao su Dầu Giây) cho
Lũy làm cán bộ nhà đất, Tường làm bảo vệ. Mình được cấp lô đất hơn 200 m2, gần
văn phòng Nông trường Cao su. Cha rất mừng, hối thúc Lũy, Tường gởi gấp hồ sơ.
Rừng Cao su
Mình về lại Đà Nẵng, bàn với các em. Căn trước bán được 5 chỉ vàng, giao
cho Tường Ngọc 2 chỉ, Tường mua khẩu súng bắn chim hết 1 chỉ ! Lũy ở lại chờ
bán căn sau. Mình cùng gia đình Tường Ngọc và hai cháu Thành, Công lên tàu vào
Dầu Giây. Mua mảnh đất sau nhà chú Bảy Cấn hết 2 chỉ. Khi Lũy bán xong, sẽ mua
tole chở vào, lợp nhà còn dư, bán kiếm lời. Mình mua xi-măng, gạch “đối lưu” bằng bắp để xây nhà cho Lũy –
Nông trường cho xen canh vào các lô cao su mới trồng, mình tỉa bắp đậu chờ thu
hoạch – Tường Ngọc lên rẫy nhìn sướng con mắt, mình sẽ cho hai em canh tác mùa
sau…
Vợ chồng Lũy vào, có thêm tiền sau khi mua tole. Cha vui lắm, nhà Lũy
xây xong, cha và Lũy vào ở, gia đình Tường Ngọc tá túc với mình. Thu hoạch bắp
không đủ trả xi-măng, gạch. Lũy nói hết tiền, mình đành thiếu nợ. Lũy được phân công phụ trách nhà đất, tham mưu cho công đoàn nông trường làm “xà-phòng”, tay nghề non yếu, thất bại, mất niềm tin ở ban Giám đốc. Lũy xin nghĩ, bán nhà lại cho Thầy Thành, về Đà Nẵng mua nhà ở chợ Cồn
! Nợ xi-măng, mình gánh trả. Ít lâu sau, cha cùng Tường Ngọc cũng về, Cha ở với Lũy. Có nhiều nỗi buồn, không biết tỏ cùng ai !
Một người khách quen, cuối tuần thường ghé tiệm sửa xe, chiếc honda 68
đầy bùn đất, mình đã sửa xe này nhiều lần. Bất chợt ông khách hỏi thăm :”- Thợ
sửa xe sao gọi bằng Thầy ?” - Dạ, Giáo viên làm thêm… Ông khách nhìn quanh
:”- Hôm nào lên Lâm trường Mã Đà, tao cho ít cây làm nhà…” Nghe, cám ơn, rồi
quên mất. Đất nông trường đã cấp cho, mình lên Mã Đà…
“Mã Đà sơn cước anh hùng tận”
là câu truyền tụng trong dân gian vùng đất nguyên sơ ở Đông Nam Bộ. Ngày xưa Mã
Đà là giang sơn của các bộ tộc người S’tiêng và Châu Mạ. Được coi như là cõi ma
thiêng nước độc “đi dễ, khó về” đối với những ai mang tham vọng mạo hiểm vào “miền đất chết” này để làm giàu. Nơi đây
vốn là quê hương lâu đời của những loài cây cổ thụ có tên và không tên, của
những vạt rừng già mênh mông không vết chân người, của những con suối chảy xiết
như suối Mã Đà, suối Ma Sô, suối Đạt Bo, suối La Mách… Mã Đà còn là đất thánh
của các giống thú lạ lẫm với con người như hà mã, voi, cọp, beo, gấu, khỉ, dọc…
là sào huyệt của các giống bò sát như trăn, rắn, thuồng luồng, cá sấu, kỳ đà…
Vùng rừng Mã Đà trong hệ thống rừng
Đồng Nai có nhiều đồi núi cáo như đồi Bằng Lăng, đồi Quít Rừng, đồi Tam Cấp…
Một vùng rừng rậm bát ngát gần như bất khả xâm phạm đối với con người. Con
người trở nên bé nhỏ và bất lực trước thiên nhiên đầy rắn rết, muỗi mòng, đỉa
vắt. Đặc biệt là đối với mầm sốt rét kinh niên và bất trị. Đa số người lên “khám phá” Mã Đà xưa kia đều mất mạng vì
chứng sốt ác tính, một số khác mắc bệnh vàng da, chữa trị lâu ngày mới hết.
Suối Mã Đà với hai nhánh nhỏ là
suối Ràng và suối Rạc là những con suối “giết
người”. Nước suối đục ngầu pha màu đỏ chảy như thác. Cây mã tiền mọc thành
rừng trên đầu nguồn dòng suối. Trái mã tiền rất độc rụng đầy theo dòng suối, cá
chày ăn phải trái mã tiền bị say chất độc và chết tức khắc. Những con cá chết
dạt theo dòng nước xiết, miệng há hốc, mắt ứa máu tươi như những con người bị
giết oan. Trái đười ươi rụng trên mặt đất ăn mát ruột nhưng cũng dễ gây bệnh
sốt rét vì nước bẩn thấm vào.
Chủ đồn điền người Pháp Oderra
trồng cao su ở Rạch Đông (thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) có rất nhiều vợ,
trong đó bà Chanh được ông ta yêu quý nhất. Một buổi sáng bà Chanh đang bơi
thuyền dạo chơi trên sông Đồng Nai thì bất ngờ con sấu đỏ mũi nổi lên, quẫy
đuôi hất bà nhào xuống sông. Để trả thù cho vợ, Oderra thuê người ngăn dòng
Rạch Đông rồi lừa con sấu đỏ mũi vào đó để bắt sống. Oderra tìm thấy trong bụng
con sấu dữ, tất cả nữ trang đắt tiền của vợ mình.
Trên đây là những câu chuyện của Mã
Đà vào những năm 1920 -1930. Ngày nay, “huyền
thoại Mã Đà” đã đi vào quá khứ. Vùng đất này nay thuộc địa bàn của huyện
Vĩnh Cửu có dân cư tập trung sinh sống.
Có hai chỉ vàng, “ông khách cho cây” là chú
Tư Lợt – Giám đốc Lâm trường – “- Mầy mua
mấy khối ?” – Cháu có chừng này ! “
Duyệt 6 khối, chuyển nhà máy cưa, nói quy cách, họ cưa cho !” Qui cách là
gì, Chú ? “- Thầy giáo mà lơ mơ, là 4x8,
6x12, 7x14…làm cột, làm kèo !” Chú Tư cho xe chở về tận nhà Má Cấp, gần 8
khối, nào ván, nào gỗ đủ cở. Bán bớt 3 khối, hơn vốn, mình làm căn nhà gỗ, mái
ngói đẹp nhất xóm, nhưng cửa sau có khung, thiếu ván, Dọn về nhà mới, ngủ say, Em
học trò ở trọ - cháu cô Dung – “- Đôi dép
mới đây, bây giờ…biến mất !” đêm đến trộm quơ hết áo quần, còn lại chỉ vàng
trả công thợ, cũng mất ! Mất luôn đôi kính cận thị của Thái, đúng là “nhất y nhất quởn” Thầy cô cứu trợ khẩn cấp,
mua lại kính cho Thái, cho quần áo…đi dạy.
Đầu năm học 1984 – 1985, khánh thành trường cấp 1,2 Ngô Quyền. Mình và
Thái chuyển sang dạy ở đây. Trong kỳ Đại hội công nhân viên chức, mình được bầu
làm thư ký công đoàn. Sự mâu thuẩn giữa cô Bím và Thầy Hiếu (Hiệu phó). Thầy
xúi dục học sinh nói xấu thầy cô, gây mất đoàn kết trong hội đồng giao viên.
Kết quả, Thầy bị bãi miễn Hiệu phó, chuyển đi trường khác. Cô Bím lúng túng,
không phân được thời khóa biểu, mình đã giúp cô ổn định năm học mới.
Mình bị bệnh dai dẵng mấy năm nay, đi tiêu ra máu, người nói viêm đại
tràng, kẻ khám trỉ nội, trỉ ngoại lung tung, thân thể gầy còm, đạp xe không nổi
lên dốc trường, cân nặng 45 kí. Don vệ sinh văn phòng, mình thấy mấy lọ “Flagyl” – rối loạn tiêu hóa – uống đại
mấy liều, không ngờ bệnh thuyên giảm hẳn và hết đến bây giờ ! thật là “phước chủ, may thầy”.
Mấy tháng sau, cô Bím xin chuyển về Thái Bình, thầy Trần Bất Diệt làm
hiệu trưởng, nhưng thầy Diệt dạy cấp 1, thiếu người điều hành cấp 2. Phòng Giáo
dục Thống Nhất đề nghị mình “tạm thời” nhận Hiệu phó chuyên môn cấp 2 ! Thầy
Diên lớn tuổi, dạy văn, mát mẻ “ Thời lai đồ điếu thành công dị…”
Khánh Phương
đã hết lớp năm, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi toán, thi tỉnh được giải nhì.
o O o
Ngồi uống cà phê với anh Hòe, mình nói chơi là
định bán nhà. Ông thông gia anh Hòe hỏi tới, mình nói 8 chỉ vàng, lấy lại tiền làm
nhà vì đất của Nông trường cấp ! Không ngờ về nhà, ông ấy mang vàng qua năn nỉ,
mua cho con trai sắp lấy vợ. Vậy là bán !
Mình mua
lại mảnh đất của chị Lệ Phương hết 3 chỉ, trước khi làm nhà là làm… “cầu tiêu”, chạy vào lô cao su, là nỗi ám ảnh không nguôi.
Nhớ đến cảnh cả nhà “nín” ỉa, mà rơi nước
mắt !
Thục Nghi
đang được bồi dưỡng học sinh giỏi Văn ở Trảng Bom, về nhà không biết ba mẹ dọn đi đâu ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét