Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KỲ 1

CHƯƠNG I
THỜI THƠ ẤU


    Chỉ còn một năm nữa thôi, mình đã sống trọn một chu kỳ (Canh Dần) – Cái bội số chung nhỏ nhất của Can, Chi…”Nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng…” Sự tuần hoàn của tạo hoá thật diệu kỳ, giọt nước theo sông ra biển khơi lại trở về nguồn, nhìn mây trôi quy cố hương, để ta hiểu lẽ đời “Sinh ký tử quy
    Mình sinh ra ở nhà ông bà Ngoại, tại làng Nại Hiên – Đà Nẵng, nay là kiệt I đường Phan Chu Trinh vào đêm 24 tháng Chạp, năm Canh Dần (31/01/1951) sau ngày ông Táo về trời. Có lẽ bếp núc quạnh hiu nên mình phải “ tha phương cầu thực ? “
Đình làng Nại Hiên xưa
    Ông Ngoại có căn nhà cổ, mười mấy cây cột lim tròn được tán trên các phiến đá khắc chạm công phu, khoảng sân rộng phía trước với hàng chè tàu làm bức bình phong, bốn cây keo Tây trồng cách khoảng đều đặn ngăn cách với con hẽm nhỏ.
    Nhìn từ bên ngoài, cha mẹ mình bên trái, bên phải là dì Năm (Nhơn) có em Lực nhỏ hơn mình một tuổi (đã mất 2011), đối diện là ông bà Dũ – sau này là cha mẹ vợ mình – Bà Hành ông Nhạc trước nhà ông Ngoại, kế đó là bà Thông làm bánh kẹo (sau này anh bốn Hí và anh mười Trác). Dì Thương có chồng là dượng Bường đi lính nhảy dù, bên hông nhà mình. Nhà bà sáu Xảo có con đường nhỏ đi qua trường tiểu học Sào Nam, thông đường Hoàng Diệu.
    Những trưa hè theo anh Toan, con bà Thông đi bắn chim, mình nhặt sạn cho anh, khi về nhổ lông nướng lên, anh cho mình hai chân con chim sè sẽ. Mấy cây sầu đâu (đông) trụi á vào mùa Đông, nằm trên ranh giới nhà dì Năm với nhà ông Diệu, có con là Quảng học lớp với mình.
    Cha đang ở Mỹ Chánh (Huế), Mẹ lại theo cha, Bà ngoại có quán tạp hoá trước ngõ. Mình nghe kể mỗi lần mình khóc, các Dì lấy kẹo cho chó berger ăn để dỗ dành...
    Trong nhà ông bà Ngoại có cậu mợ Bốn (Đa), cậu Bốn có em Vân kém mình ba tuổi (đã mất 1972), em Mạnh (mất 1962), dì Chín (Thảo), cậu Ngãi và cậu Nghĩa, các dì khác đã có gia đình riêng. Trưa nào dì Chín và cậu Nghĩa cũng bắt mình và em Vân ngủ trưa, đi học phải mang đôi guốc mộc. Căn nhà của cha cho gia đình ông Phúng thuê, nhà ông Phúng có thằng Đặng (hoạ sĩ Hoàng Đăng) cùng tuổi mình. Khi mình lên ba, mẹ sinh em Ngọc (Xí – Quý Tỵ, 1953) rồi em Lũy (Ất Mùi – 1955)œ
    Khi đến tuổi, cha đưa về quê Hạ Nông dưới, Kỳ Ngọc (Điện Phước), Điện Bàn. Ngay đầu cầu Vĩnh Điện, rẽ phải lên Bình Long, Phong Thử, Đại Lộc…khoảng ba cây số, những căn nhà ngói ba gian đồ sộ là nhà Nghè Mai, Chánh Chước, lối vào chùa Hạ Nông. Xóm Hạ-Nông-Dưới nghèo nàn, những nếp nhà tranh nép mình bên những lũy tre dọc con đường đất nhỏ. Nhà ông Chanh có Lê Viết Nem, nhà bà ba Ra, vườn ông Cửu Tưởng hiu quạnh, vắng bóng người, nhà bà Mày có thằng Nguyên nghèo nhất xóm, nhà bà Tiếp có chị hai Tiếp, anh Xuyên, anh Đông, nhà bà Nhì có anh Tam, thằng Cật, nhà bà Mua có anh Tám Dần cùng tuổi với chú Mười Thi, nhà chú Liếng có chị hai Liếng, chị Ba, thằng Bảy, nhà chú ba Mậu…bên kia, gần bờ đập, nhà ông Chánh Ba có chị Thông, anh Nga. Ba cây đa to gần trăm tuôi, chia ba góc ôm lấy nhà ông Nội, ông bà Nội mất, bác Xứng lo hương khói, kinh kệ Chùa Hạ Nông. Nhà chú Dần có em Dần cùng tuổi với mình, sau này chú Dần làm nhà gần ông ba Mậu. Xóm Hạ-Nông-Dưới khoảng mươi nóc nhà mà hết bốn bà góa, những người chồng đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp. Tây càn, ông Nhì ôm súng leo lên cây đa, ông ra đi khi bà Nhì chưa đến ba mươi. Rồi những năm sáu ba, sáu bốn thế hệ tiếp nối như anh Đông, thằng Dần, thằng Cật, thằng Bảy lần lượt vào du kích và hy sinh…
     Học khai tâm “trường” thầy Tư Khải – Gọi là trường nhưng chỉ có hai dãy bàn bằng gỗ mít, học trò lèo tèo năm bảy đứa, cả gái lẫn trai…
    Mẹ mua mấy cuốn vở, bình mực, bút lá tre. Mua mực viên về hoà với nước, mực xanh, mực tím. Thầy dạy vỡ lòng, “a,b,c dắt dê đi ỉa…a,ă,â dắt vợ đi chơi – nhân chi sơ tính bổn thiện…” Thầy dạy Tam Tự kinh lẫn tiếng Pháp, anh Tâm (Thuỳ) học lớp Nhì (lớp 4) trường xã, dạy thêm mình : “ Ma mère – Mẹ tôi, long – dài, mue – mềm” Mình xung phong đọc cho thầy nghe, thầy phang cho mấy cây quắn đít !
    Đường làng trơn, từ nhà đến trường ngang qua vườn bà cửu Tưởng, không một bóng người. Mẹ dạy phải bấm ngón chân khỏi ngã, đến sân nhà thầy mình nằm thẳng cẳng, con gái thầy bắt mình cởi truồng dội nước, ngồi học mà không mặc quần.
    Thấy ở quê không xong, cha lại đưa ra Đà Nẵng ở nhà ông bà Ngoại.
    Ông bà Ngoại đông con :

  
Ông bà Ngoại
    Cậu Lê Văn Phú – thư hai (cả - mất ngày 03/3 âm lịch 1949)
    Kế đến mẹ mình thứ ba : Lê Thị Quý sinh năm 1925 - Ất Sửu (Mất 19/6/ Mậu Ngọ - 1978) - Ba mình là ông Nguyễn Văn Mai sinh năm 1918 – Mậu Ngọ - (Mất 15/4 Mậu Thìn - 1988)

  
Cậu Lê Văn Đa và mợ Khương Thị Ân
    
Dì Lê Thị Nhơn (Mất 17/9/Tân Tỵ -2001) và chồng Huỳnh Tấn Hiền (Mất 24/giêng/ Kỷ Tỵ - 1989)
  
Dì sáu Lê Thị Hội (chị - Mất 29/5/Đinh Hợi – 2007) và chồng Lê Hữu Hậu (Mất 09/6/Mậu Ngọ - 1978) - (Dì bảy và mợ Bốn bên mộ dì sáu)
Dì bảy Lê Thị Hội (em)  và chồng Nguyễn Văn Hưng (Mất ngày…)
       
Dì tám Lê Thị Thuận và chồng Nguyễn Văn Lung
                           
 
                             Dì chín Lê Thị Thảo và chồng Nguyễn Hữu Kỉnh (Yến – Mất 23/02/Giáp Tý – 1984)
Cậu Lê Văn Ngãi và mợ Nguyễn Thị Lệ Xuân   
Cậu Lê Văn Nghĩa mất năm 1972
    Cậu Nghĩa học trường Phan Chu Trinh, cậu chu đáo và thương yêu các cháu nhất nhà. Cuối tuần cậu chở mình về quê bằng xe đạp. Thỉnh thoảng bạn cậu đến chơi, mình lon ton rót nước, nào là Thầy Phan Chánh Dinh (nhà thơ Phan Duy Nhân), cô Dương Thị Ngân Hà, các nhà thơ Phan Nhự Thức, Chu Trầm Nguyên Minh, hoạ sĩ Đinh Cường, Nghiêu Đề, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…
       Năm 1952, cha làm nhà bên cạnh ông bà Ngoại, đến năm 1956 cha chuyển gia đình về quê ở Hạ
Nông dưới, xã Kỳ Ngọc (Điện Phước, Điện Bàn)

Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng
Tương Cha nhớ Mẹ quá chừng bạn ơi !
    Căn nhà ở kiệt I – Phan Chu Trinh, Đà Nẵng cha mẹ cho thuê. Cha làm căn nhà ngói to nhất làng, thợ mộc của nhà ông Mại, toàn là danh mộc, căn nhà đúc bê-tông đầu tiên ở quê. Em Ngọc ở nhà kêu tên Xí, bốn tuổi, Luỹ là Lý hai tuổi. Đúng là ông trời đặt tên ! Khi làm khai sinh là tên Lý, thầy ký ở Hội An đánh máy lại thêm chữ U xen giữa, đành sửa dấu sắc thành dấu ngã - Luỹ - Bà Ngoại đặt tên mình là Lan lại trùng với tên cô Lan (Phụng), Cha không cho gọi tên Lan, đổi tên là Luân, nhưng khi làm khai sinh, cha lại đặt tên Cúc – lại trùng với cô Cúc (Trước) ! Phải đến năm đệ tam (lớp 10) mới là thằng Châu cho đến bây giờ. Bỡi vậy, đối với thầy cô và bạn bè từ cấp hai trở về trước, mình là thằng Cúc, gần năm mươi năm sau gặp lại, sao lại là Châu !
   œCó lẽ học ở quê không vừa lòng cha, cha lại dắt ra ở nhà ông bà Ngoại, học trường ông Thầy Già. Lũ học trò không thuộc bài bị quỳ xơ mít, đội tắp-lô, ăn roi mây. Năm lớp tư (lớp 2) cậu Bốn xin qua học trường Sào Nam của ông Thị Tý, đi học về ngang qua trường ông Thầy Già, cả lũ reo hò : “ Ông Thầy Già ăn cứt gà đỏ đít “ bị cậu Bốn bắt gặp, tát cho mấy tai !
    Đêm nằm nhớ Mẹ khóc thút thít, học xong lớp ba, cha ra Đà Nẵng thấy thằng con đứng ru nôi em Nga, em Nhàn (sinh đôi), cha tức tốc thu dọn sách vở, dắt ngay về quê.
    Niên khoá 1960 – 1961, cha xin mình vào lớp Nhì trường Kỳ Ngọc (Điện Phước), mới học được mấy hôm, nghe lời mấy thằng trèo  lên cửa sổ ê a : “ Em yêu cô giáo lớp ba, hàm răng trắng nõn nước da đen sì…sì “. Thầy hiệu trưởng là thầy Trợ Lập – chuyện đến tai cha, khỏi phải nói cũng biết mấy cây !
    Anh Ngộ học cùng lớp, thằng Dần sau một năm, học ở trường thôn, gọi là trường học Mới cùng với em Ngọc, thằng Bảy cao giò học lớp với mình – con chú Liếng – lấy trộm truyện thơ “Phạm Công Cúc Hoa, Trần Minh khố chuối…” cho mình mượn, tối về đọc cho mẹ nghe, có chỗ mẹ khóc mình cũng khóc…Thằng Bảy (Sau đi du kích với Dần, hy sinh 1972) đòi sách, thằng Dần bảo mét mẹ nó, nó sợ không dám đòi.
    Những buổi chiều theo chú Mười (Thi) đi câu cá thát lát ở “giếng” Thủ Bộ, gọi là “giếng” nhưng giống như hố bom, sâu khoảng vài mét, đường kính hơn năm sáu sãi tay. Mình lội dọc theo triền nước, dùng rổ xúc những con “mày mày” (ấu trùng chuồn chuồn) cho chú câu…
    Có những hôm chú Mười câu được mười mấy con cá to, óng ánh như dát bạc. Mẹ làm chả cá thát lát tuyệt cú mèo hoặc viên lại nấu canh với rau tần ô ngọt lịm.
    Mỗi sáng sớm, nhất là mùa đông lạnh buốt, Cha vẫn dậy sớm, tất tả ra bàu Súng - gọi là bàu Súng vì bàu mọc nhiều cây bông súng nở hoa tím ngát – Cha chèo chiếc xuồng con đi dỡ lờ, những con cá diếc, cá tràu, cá rô, cá trê béo ngậy về nướng trên lò than, chấm nước mắm gừng hết chỗ chê !
   Quê hương mình yên ả thanh bình nhất, có lẽ sau hiệp định Genève 1954 đến cuối năm 1960 ! Đúng là thái bình thật, không trộm cắp, cửa thường bỏ ngỏ trong những đêm hè. Tiếng hò khoan trong mùa cấy tháng tám, tháng ba thoang thoảng theo làn gió bay xa. Ngày xưa, mỗi năm chỉ có hai mùa, cái thiếu đói thời kỳ giáp hạt là nỗi ám ảnh trong lòng người dân quê mình thường trực.
    Rồi một ngày những người không phải lính nhưng mặc đồ màu đen mang súng vào ở chung với dân làng…
     “…Mùa xuân năm 1962, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược mục tiêu căn bản là tách rời du kích, quân sự của Cộng Sản còn cài cắm ra khỏi nhân dân nông thôn, không cho dựa vào nhân dân để xây dựng cơ sở hoạt động phá hoại, cuối cùng là cô lập hoàn toàn phải ra hồi chánh hoặc bị tiêu dịêt…”
     Nếu Quốc Sách này được tiếp tục và Ngô Đình Diệm không bị lật đổ, thì ngày 30.4.1975 có lẽ còn xa xăm…
    Mùa hè lại về, cái nắng như thiêu như đốt kèm theo gió hạ Lào khô khốc thịt da.
“ Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn,
Trời hành cơn lụt mỗi năm…”
    Nhưng lụt mang phù sa cho ruộng đồng phì nhiêu, những gánh phân chuồng, phân xanh đã làm đượm tình quê, qua hương thơm ngạt ngào của hạt cơm lúa mới. Nồi cơm đất nung thơm lừng với chén mắm cá nục, cá cơm dằm vào ớt tỏi, ăn quên thôi, quên mất phần người lớn !  
“Ông tha mà bà không tha, làm cho cái lụt hăm ba tháng mười…” 
    Lụt lớn, lụt nhỏ nước chảy tràn đồng là những ngày hội hè của đám trẻ con, tất bật chạy đi đơm cá. Những bát cá mại, cá cấn, đủ loại cá con con kho với lá gừng, lá nghệ vàng ươm ngon hết biết mà cơm không đủ ăn ! Kể cũng lạ, đất khô nứt nẻ nhưng khi mưa xuống lại có cá hồi sinh, không biết từ đâu ?
    Tết đến, từ đầu tháng Chạp bác Xứng đã cuốc sân lên luống gieo cải, nhà nhà lo Tết. Mẹ chuẩn bị sẳn không thiếu thứ gì , đưa ông Táo về trời là mẹ nhờ chú ba Diện quảy gánh nếp đi bung, nấu nước đường làm bánh hộc, bánh khô, bánh in, mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao…Chiều ba mươi quanh bếp lửa hồng, nồi bánh tét sôi sùng sục, tiếng heo kêu eng éc khắp làng…
    Đêm giao thừa, tiếng pháo nổ vang khắp làng trên xóm dưới rồi chìm vào hư không, tiếng chuông chùa ngân vang…cái thiêng liêng ngự trị trong lòng mỗi con người, cầu mong mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.
    Sáng mùng một khoanh tay chúc mừng cha mẹ, những đồng tiền mới bay theo con bầu, con cua ở chợ Bình Long, tiếng trống giục giã của hội Bài chòi :
“rủ nhau đi hội bài chòi – Để con nó khóc cho lòi rún ra…”
    Bộ bài Chòi gồm 3 pho :
-          Pho Văn : Ông ầm, tráng hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ ruột, sáu miếng, lá liễu, tám miếng, chín cu, chín gối.
-          Pho Vạn : Bạch huê, nhứt trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, bgũ trợt, lục chạng, thất vung, bát bồng, cửu điều.
-          Pha Sách : Ông tử, nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ sách, ngũ dụm, sáu bường, bảy thưa, tám dây, cửu điều.

          Mỗi pho có 10 lá, vì phải có 33 lá nên thêm vào 3 lá nữa là : Ông ấm đen, tứ cẳng đen và cửu điều đen (để phân biệt với 3 lá này nhưng màu đỏ) cho đủ bài chơi.
          Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên von bài lên. Để gây thêm hồi hộp và bắt người chơi suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc câu ca dao có tên con bài. Chòi nào có tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng 3 con bài là chòi đó “tới”, xổ một hồi mõ dài. Khi đó anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi, để đánh dấu một lần thắng.
        Các câu thai :
                          Đi đâu cọ xiểng đi hài
                          Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không (Thằng trò)
                          Ai làm thượng hạ bất thông
                          Bàng quang bể thúng sớm trông tối ngày (Thằng bí)
                          Nửa đem gà gáy le te
                          Muốn đi rón rén đụng nghe cái ầm (Ông ầm)
                          Lưng choàng áo đỏ
                          Đầu đội khăn đen
                          Chân đi lèng quèng
                          Là ông chân gãy (Tứ cẳng)
                          Lội suối trèo non
                          Tìm con chim nhỏ
                          Về treo trước ngõ
                          Nó gáy cúc cu (Chín cu)
                          Chầu rày đã có trăng non
                          Để anh lên xuống có con em bồng (Bát bồng)
                          Đi đàng phải bịt khăn đen
                          Ở nhà vợ sẳn vóc sen nhuộm điều (Cửu điều)
    Năm lớp nhất mình học thầy Phấn (Cha của Trần Kỳ Cung – Trung uý HQ ở HĐ2ZP – Qui Nhơn 1972) Nhà Thầy ở ngay ngã ba Vĩnh Điện, đường xuống Hội An, thầy cận thị nặng, mấy thằng kháo nhau ngồi cuối lớp, thầy không thấy ít dò bài, vậy mà thầy cứ gọi tên mình với thằng Bảy cao giò ! Ngày đó, thi tiểu học ngoài thi viết còn phải thi vấn đáp, nhưng không đứa nào hỏng cả. Từ đây, như đàn chim xa bầy, một số không đi học nữa như anh Ngộ, thằng Bảy ở nhà chăn trâu, số khác như Trần Văn Giám về Sai-gòn, hơn một nửa sau này đi du kích, như thằng Diên, thằng Lê Minh Tá, thằng Cả…
    Cuối năm lớp nhất, mẹ cho tiền mình đi mua sách và cặp về khoe với cha là phần thưởng, chẳng may thầy Trợ Lập đến nhà chơi lại bảo mình học chẳng ra gì ! Lại cái roi mây…
    Học hết năm Đệ Thất trường bán công Nguyễn Duy Hiệu, thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, cậu Lê Văn Đa làm giám thị, mình lại siêng năng nhưng mất căn bản từ tiểu học, toán số học và đo lường trả lại cho thầy Phấn. Gần cuối năm, trường Công lập Điện Bàn thành lập (1962) do thầy Dung làm hiệu trưởng, cha muốn mình thi vào trường công, nhưng cả cha và cậu Đa không yên lòng nên sắp xếp cho anh Tâm (Thuỳ) – đã học đệ Ngũ – thi thay cho mình, kết quả không thấy tên !

    Năm Đệ Thất (1962 – 1963) thật nhiều kỹ niệm, lớp anh văn khoảng hơn bốn mươi đứa cả gái lẫn trai, số bạn mình còn nhớ như Nguyễn Đình Ký, Đỗ Diện, Phạm Văn Đức, Lê vĩnh Hoè, Phạm Phú Cừ, Khúc Thừa Thế, Nguyễn Văn Diên, Lê Viết Nem, Hồ Nên, Lê Tự Mộng, Lê Tự Trập, Nguyễn Văn Rô (mất 2013), Lê Tự Thắng, Lê Tự Mầu, Nguyễn Trần Thị Xuân Bạch Tuyết, Lê Thị Liễu, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Chung (nhà thơ Nguyễn Hàn Chung), Trương Văn Chức, Lê Thị Phước, Nguyễn Thị Diêu, Trần Thị Cương, Nguyễn Thị Mười (Dung), Lê Bá Đại, Trần Lý, Nguyễn Thị Dơi, Phan Tấn Ngọc (Phan Thanh Dũng), Phan Xuân Dũng, Dương Dèo (Dương Thanh Thu), Nguyễn Văn Tục, Trần Thị Thôi, Phan Đức Liên, Nguyến Tám (Hội), Thân Tám, Cù Tân, Thân An, Lê Minh Tá…Năm Đệ Lục có Phan Thị Tuyết Hoa, cô bé xinh xinh, con gái làng Bảo An, có lẽ con cháu Phan Khôi !?
Phải qua : Nguyễn Đình Ký, Đỗ Diện và Nguyễn Văn Châu
     Sau 50 năm gặp lại nhớ nhau từng chi tíêt thời thơ ấu ! Cuối năm làm bích báo, mình và thằng Nguyễn Văn Diên gom bài của các bạn, lựa chọn, trang trí. Có mấy thằng chép thơ của tiền bối, dù lúc đó mình không biết của ai nhưng rõ ràng không phải của hắn !
    Cô Ngân Hà đọc bài thơ của mình : “ An Ký Chung Mầu Tá Dục Sinh – Châu Diên Diêu  Tưởng Tuyết, Hoa, Anh …” Cô bảo Cúc B làm thơ Đường hay cóp của ai ? Thật ra là tên của các bạn cùng lớp cô ạ ! Mình còn định cóp cả thơ Hàn Mặc Tử, nhưng sợ cô biết nên thôi. Mình thích thơ Bích Khê, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương…Trong thời gian này, thầy cô khuyến khích đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Thằng Diên cho mình mượn cuốn “Bên Dòng Sông Trẹm” của Dương Hà, mình bê nguyên cả đoạn kết vào bài văn khi thầy Phan Chánh Dinh ra đề :  Anh chị hãy viết tiếp truyện “Anh phải sống” của Khái Hưng. Mình lại cho con Cái nhớn đi theo dòng nước lũ Sông Hồng : “…Mọi người âm thầm rảo bước để tiễn đưa Cái nhớn về nơi an nghỉ…nghìn đời “ Thầy Dinh lấy bút đỏ…khoanh tròn !
     Trưa học về, đạp xe qua tiệm sách bên kia cầu Vĩnh Điện mua giấy pơ-luya hồng, mượn thơ Hàn Mặc Tử viết lưu bút cho bạn gái :
Chữa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi
Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em chẳng nói gì…” 
(HMT)
Ai cũng bảo mình có khiếu văn chương !   
                          Thầy Phan Chánh Dinh (Phan Duy Nhân)         Thầy Nguyễn Phú Long (Hoàng Thị Bích Ni)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét