Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KỲ 6

…Rồi em Vân, cũng tử trận ở mặt trận Duy Xuyên, khi mới ra trường Sĩ quan Đồng Đế, mang lon chuẩn úy chưa đầy tháng, vì một viên đạn bắn sẻ vu vơ. Khắp xóm đồn đập tang ma của những thanh niên chưa tròn tuổi hai mươi…
Lê Văn Vân
    Mình hạnh phúc biết bao, khi chờ đón đứa con đầu lòng, con sinh ra đời tại nhà thương bà Quế, gần ngã ba Phan Chu Trinh – Trưng Nữ Vương, lúc 11g30 ngày 30/4/1973. Mình đặt tên Nguyễn Ngô Sa Huỳnh, vì mê cảnh đẹp của biển Sa Huỳnh - Quảng Ngãi, nhưng cha đặt tên khác, vì Huỳnh trùng tên với người trong họ, đã quá vãng. Vậy là Nguyễn Ngô Khánh Phương. Thái sinh khó, phải dùng máy hút, bác sĩ phải hút máu bầm trên đầu con, hậu quả Khánh Phương bị đầu méo vì phải nằm nghiêng.
    Tháng 5/1973, con chưa đầy tháng, mình thuyên chuyển về BTL/LLZP 213 ở Cam Ranh. Hơn hai tháng sau, về Đà Nẵng, đưa hai mẹ con theo vào. Trương Vĩnh Ninh (K23/HQNT) nhường chỗ ở cho mình tại khu gia binh CCYT/TV/Cam Ranh.
    Chưa ấm chỗ, BTL/LLZP 213 giải tán, để thành lập BTL/V5ZH ở Năm Căn - Cà Mau. Mình lại đưa Thái và con theo xe đò về Saigon, ở tạm nhà má chị Mỹ, gần cầu Hiệp Ân, Quận 8, chờ phương tiện xuống Năm Căn. Lênh đênh trên HQ404, mang theo chiếc võng cho Thái và Khánh Phương, mới hơn hai tháng tuổi. Tàu vào sông Bồ Đề, hai bên rừng đước, rừng tràm chạy dài hun hút. Thỉnh thoảng tiếng súng “tắc cù” đuổi theo…
    Tàu ủi bãi căn cứ Năm Căn, bồng bế con lên bờ, Thái say tàu, mặt mũi bơ phờ, nhưng Khánh Phương vẫn ngủ vùi. Tạm lấy trailler trong căn cứ làm tổ ấm. “ Muỗi kêu như sáo thổi “, Muỗi bám đầy mùng, nhìn trời không thấy trăng sao…!
Gia đình Khánh Phương
    Lúc này tại căn cứ Năm Căn gồm : BCH/LL Đặc nhiệm 211.2, GĐ72,73 Thủy bộ, GĐ 45 NC, CCHQ/Năm Căn, TDYT/Năm Căn, HĐ5ZP. Số sĩ quan mới chuyển về, tạm thời làm việc trong mấy gian nhà tiền chế do Mỹ để lại.
   Mình phụ tá cho Đại Úy Trung, phòng Tiếp liệu. Cùng về Năm Căn có Phạm Hữu Phước (BTL/V5ZH), Nguyễn Văn Hiếu (GĐ45NC), Lai Văn Hảo (TDYT/Năm Căn), Tuấn cà (K21 – GĐ73TB). Mình sang lại tiệm sách truyện của Trung úy Cập, cho thuê. Việc cấp phát dầu cho PCF, các tàu Alpha, Tango, giang đoàn đã đem lại cho mình nhiều “bổng lộc” bất ngờ. Thái nấu cơm tháng cho Phạm Hữu Phước, Trần Bá Côn (K19/HQ)…đến bây giờ, tiền cơm mấy thằng còn nợ !

o O o
    Mình đưa mẹ từ Đà Nẵng vào Saigon, rồi theo chuyến bay Caribu xuống Năm Căn. Thật hạnh phúc biết bao, khi có mẹ bên mình, có cơ hội phụng dưỡng. Nhưng Thái đã làm mẹ buồn, vì những suy nghĩ trẻ dại, không muốn ai chăm sóc cho chồng, ngoài vợ. nhưng mình bao giờ cũng là trẻ con dưới mắt mẹ, thế là mẹ chồng, nàng dâu muôn đời "cơm không lành, canh không ngọt" ? Thời gian sau, mẹ đòi về Đà Nẵng, lo cha không khỏe, khi vắng mẹ. Cả cuộc đời, mình chỉ có thời gian ngắn ngủi này bên mẹ, mỗi lần nghĩ lại, mình hối hận. Đời lính ở vùng Năm Căn ngắn ngủi và đầy bất trắc. “ Hãy luôn chăm sóc cha mẹ mình, đừng chờ đợi đến khi gọi là có thể. Dòng đời trôi đi theo năm tháng, nghĩ đến đền ơn sinh thành, có khi đã muộn rồi !”
Sông Bồ Đề - Năm Căn
   Lúc này, TLP/V5ZH Mai Trọng Truật phát hiện ra vị trí của mình, có thể làm ra tiền. Nhân chuyện cấp dầu cho Tuấn “” thử máy, chỉ ghi số 50 gallons, không viết chữ, hắn thêm số “4” thành 450 gallons. Mình bị kỷ luật, Lão Truật đẩy mình đi học tiếp liệu ở Saigon. Thế là dắt díu vợ con về tá túc nhà anh chị Vũ, Mỹ. Bác Bốn cho chiếc xe Goebel cũ, sửa lại làm phương tiện. Khoảng tháng 8/74 mãn khóa, về lại Năm Căn, tháng 10/74 xin thuyên chuyển về CCYT/TV Đà Nẵng do Đại Tá Vương Hữu Thiều làm chỉ huy trưởng, mang theo thư giới thiệu của HQ Thiếu tá Phạm Thọ. Trình diện HQ Thiếu tá Huệ - Trưởng phòng Tiếp liệu – Đặng Văn Dư (K21/HQNT), nhường lại căn nhà, khu gia binh Tiên Sa. Mua xe Honda 67 của cậu Bốn, cha mẹ mừng vô cùng. Trời mùa đông miền trung, gió rít qua mái tole,  lạnh buốt, mình về Đà Nẵng, đón cha sang chơi, thấy “cơ ngơi” của thằng con thế này, cha cũng an lòng. Khuya 25/11/1974, Thục Nghi ra đời, tại nhà hộ sinh cô H, ngã tư Phan Chu Trinh – Lê Đình Dương. Khoảng tháng 2/1975, Mình đi làm về,  Thái ôm bụng kêu đau, mình chạy đi mời bác sĩ, bác sĩ đang đánh bida, qua lời mô tả của mình, cho thuốc. Kết quả, Thái hư thai ! thai khoảng hơn tháng. Cha đưa về chôn cạnh chị Ái, sau này thất lạc…không biết gái hay trai !
Thục Nghi
    Lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm, mình đón Tết Ất Mão (1975) cùng gia đình, cái Tết bình an cuối cùng, biển sóng lặng yên, chờ cơn bão tố…
o O o
   Những ngày đầu năm 1975, chiến trường khắp nơi sôi động.
   Ngày 10 tháng 3 năm 1975 : Ban Mê Thuột di tản
   Ngày 16/3/1975, Pleiku, Komtum, Phú Bổn và các tỉnh Cao nguyên trong giờ hấp hối, những con đường thoát chạy như 7B, 14, 19,20,21…đông nghẹt người.
   Ngày 18/3/1975, người dân Huế kéo vô Đà Nẵng để lánh nạn. Dòng người di tản chật cả đường phố, xe nghẹt cả đèo Hải Vân…
   Ngày 26/3/1975, toàn bộ gần 500 người lính và dân đã bị chìm tàu, bỏ mình tại bãi biển An Dương.
   Ngày 26/3/1975 Quảng Trị và Huế thất thủ.
   Chiều 27/3/1975, dân Đà Nẵng di tản. Tại cảng Đà Nẵng, các thương thuyền Nam Quan, Trường Thành, VishipcoLine…chở dân tị nạn. Trưa 28/3/1975, mình lái xe jeep từ Tiên Sa chạy về Đà Nẵng. Lúc này, cầu Trịnh Minh Thế vẫn còn thưa người. Cha mẹ nhất quyết không đi, mẹ mếu máo kéo chiếc TV, mấy cái quạt máy . Mình chạy qua nhà ông bà ngoại các cháu, đưa cả nhà ra xe, nhưng ông ngoại ở lại, nhìn cha mẹ rơi nước mắt, mình ấp úng không biết nói gì, kéo Lũy theo, về khu gia binh đón Thái và con. Giao nhà và tất cả đồ đạc cho em Ty – người giúp việc, em không đi – gởi gia đình cho các bạn cùng khóa trên HQ 504, lúc này đã hơn 19 giờ…
   Minh quay lại đơn vị, hôm nay mình là sĩ quan trực. Đến hơn 22g, mình chạy quanh căn cứ, bộ chỉ huy vắng ngắt, không thấy ma nào…lại chạy xuống cầu tàu, quan lính lổn ngổn trên LCM, vẫn còn tiếc chiếc xe honda 67, nhưng đành bỏ lại, lên PCF của HĐ1DP, chạy thẳng ra HQ 404. Gần đến Nha Trang, tất cả chuyển sang HQ 17, để HQ 404 quay lại Đà Nẵng…
    Đến Cam Ranh, nhìn bãi biển tiêu điều, nghe nói HQ 504 cho dân di tản xuống Cam Ranh, mình phân vân không biết gia đình ở đâu ? Mình tháo lon lá, không mũ nón, thuê xe chạy khắp các khu tạm cư, về đến cổng Mỹ Ca, lại nghe thân nhân hải quân được chở về Vũng Tàu. Trở lại bãi biển Cam Ranh, chỉ còn lác đác những xác chết bơ vơ trên cát, HQ 17 đi mất, chỉ còn chiếc tàu Mỹ - Henry Miller, mình xì xồ với thằng thủy thủ người Phi, may quá hắn cho lên tàu đi Phú Quốc.
    Ngày 2 tháng 4 năm 1975, Nha Trang thất thủ.
   Phú Quốc tràn đầy quân binh chủng và dân di tản khắp miền. Một số tên lính biến chất TQLC, cướp của, giết người, bị xử bắn. Có lệnh tất cả quân binh chủng, phải về Saigon trình diện. Khoảng 20g ngày 10/4/1975, mình đi nhờ chiếc xuồng cơ hữu HQ 500 ra tàu, trên xuồng đã có HQThiếu úy Lê Quang Lệ Lan (con gái cựu tư lệnh Lê Quang Mỹ), HQ trung úy Học cùng hai thủy thủ, chở theo hai tạ gạo, nước mắm. Không may, khi kéo xuồng lên, bị đứt một đầu cáp, mình văng xuống biển. Biển tối om, sóng va đập thân tàu, xuồng treo lững lơ, nửa chìm xuống nước, cố tháo đôi giày cao cổ, trồi đầu lên bơi…Nhìn quanh, không thấy ai, màn đen một màu đen kịt. Trên tàu la hét, nhiều chiếc phao ném xuống, 15 phút sau, mình được thủy thủ PCF kéo lên, mọi người đang dõi tìm những người còn lại. Trên dây cáp móc vào phần lái chiếc xuồng, một thủy thủ đeo bám, tất cả được cứu, ngoại trừ Thiếu úy Lệ Lan ! Đau đớn thay, khi kéo xuồng lên, xác Lan mới trôi ra, nhưng muộn mất rồi ! Thiếu úy Lan đã bị bao gạo đè xuống mũi xuồng.
Phú Quốc
    Ngày 15/1975 về đến Căn cứ Hải quân Cát Lỡ - Vũng Tàu, mình vội vã về Saigon. Không còn gì vui hơn, khi thấy mọi người đã ở nhà anh chị Vũ, Mỹ. Lũy ở nhà Bác Bốn, bên chợ Bà Chiểu. Sáng hôm sau, vào BTL/HQ trình diện, rồi đem vợ con xuống Vũng Tàu.
   Căn nhà khu gia binh trống hoác, tìm võng treo cho Thục Nghi. Lúc này, con vừa tròn 4 tháng, Khánh Phương gần hai tuổi, không sữa, không cháo, không tiền. Được mấy hôm, nhìn con không đành lòng. Ngày 26/4/1975, đi ngược dòng người về Saigon, tá túc chi Mỹ, chị Mỹ mới sanh cháu Thắng, anh Vũ bị kẹt ở Đà Nẵng, không biết thế nào !
o O o
    Ngày 28/4/1975, mình ra Vũng Tàu, đến cầu Rạch Chiếc – Thủ Đức, xe cộ nghẽn đường, quay lui Tân Cảng, tìm phương tiện khác. Sáng 30/4/1975, mình vào BTL/HQ, cầu tàu vắng ngắt, còn trơ lại mấy con tàu hỏng, không thủy thủ, đang lơ ngơ lại gặp Văn In (K21/HQNT), hai thằng rủ nhau chạy về Cát Lái. Đến 11g hơn, nghe xôn xao Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thế là hết !
   Minh nhìn vợ con mà lòng tan nát, tương lai một màn đen…Sáng 01/5/1975, mình ra BTL/HQ trình diện và nộp giấy tờ, lại thấy lão Trung úy ĐV Long – Đại đội trưởng SVSQ ở Nha Trang, đang ngồi ghi ghi, chép chép tên họ của đám lính HQ bị kẹt như mình vào sổ. Nhận lại tờ giấy cỏn con, về nhà, chờ đợi ngày đi “học tập cải tạo
    Nhìn con thơ bé bỏng, không biết tính sao. Thục Nghi phải ăn bột Bích chi, èo uột khóc, Khánh Phương lẽo đẽo theo ba. Ba đã trắng tay, mờ mịt tương lai với tuổi đời chưa đầy hai sáu. Bán chiếc đồng hồ Orient “hai cửa sổ” cho anh bộ đội, cả chiếc TV cùng mấy chiếc quạt máy, cha mẹ cho khi di tản, với giá rẽ mạt…
    Mình giữ con, Thái ra chợ xóm Củi, bán bánh tráng nướng chuối, chiều về làm rơi hết tiền. Khoảng giữa tháng 5/1975 đưa em Lũy ra bến xe, về Đà Nẵng. Trước ngày tập trung cải tạo, mình gửi Thái và hai con về nhờ cha mẹ (12/6/1975), không biết bao giờ gặp lại. Mình thức trắng đêm, nhìn con thơ say ngủ, nấu nước pha bột, cho vào từng túi nhỏ cho con ăn đi đường. Lên bến xe Chợ Lớn, gặp Nguyễn Đình Trang – cùng khóa 22 – đang rao bán mũ. Hai thằng nhìn nhau ứa nước mắt, xe chạy xa dần, thế là cách biệt nhau hơn chín trăm ngày…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét