Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KỲ 8

CHƯƠNG IV
VỀ QUÊ VÀ THA PHƯƠNG

    Tháng 6 năm 1975, cha mẹ quy cố hương – Cha 59, mẹ 51 và mình chỉ mới 25 – Cha mẹ dường như đã già hơn mười tuổi. Cái nôi thời thơ ấu, gần như hoang phế bỡi chiến tranh, gạch vỡ vây quanh làm tường, mái tole cũ tạm bợ. Cha ốm yếu, mẹ và Thái không biết làm ruộng, hai con còn nhỏ…
    Mình đi trả công thay mẹ, đàn ông như mình quá tệ, xóc đầu này lại tuột đầu kia, không gánh nổi hai bó lúa, lưng còng như con tôm, quỵ xuống bên bờ ruộng, thôi đành vác từng bó lên vai…Chú sáu Bề nói thôi, không gánh nữa, gom lúa đã gặt, chú gánh giúp. Đứng trên mảnh ruộng này, là rộc Ngang, đám Lớn, bàu Lát…cha đã dành dụm, không dám ăn tiêu để có nó. Bây giờ của HTX, mình đi làm thuê.
    Cha đã làm đơn hiến đất, mong thằng con hưởng lượng “khoan hồng”, không hiến cũng không xong. Ký ức thời thơ ấu tràn về, như dòng thác lũ, mình đã dẩm đạp từng hàng lúa non, khi cha cầm roi rượt đánh thằng con mất dạy, cha đứng bờ đông, con chạy bờ tây, cha ho rũ rượi nhưng chẳng làm gì được thằng con !
Cha và Mẹ
    Năm 1955, cha mẹ về quê lập nghiệp, xây căn nhà ngói ba gian, to nhất làng, hàng keo quanh vườn, cây mít, giàn trầu, cam quýt, ổi, thơm ngon. Những trưa hè yên ả, mình cùng anh Ngộ, thằng Dần lên Miếu Bà “ném” xoài. Những trái xoài chín vàng lựng trên cao, thằng Dần, anh Ngộ dành nhau, đánh nhau…Mùa đông, sáng tinh mơ, cha co ro trong chiếc “tơi lá”, ho sù sụ bỡi căn bệnh phổi mãn tính, chèo ghe nan dỡ lờ. Những con cá rô, cá tràu, cá diếc óng ánh bạc vẫy đành đạch, ăn không hết mẹ rửa sạch, muối để dành.
Nguyễn Văn Đạt (Ngộ)
    Mẹ - con gái thành phố - theo cha về làm ruộng, tất bật với heo gà lam lủ. Tấm lòng rộng lượng của mẹ ai cũng quý, trả công còn tặng thêm, cảm thông với những  mảnh đời nghèo khó. Chú Ba Diện không vợ con, là người giúp việc thường trực trong nhà…
o O o
    Mình đã học được nghề gò từ trại cải tạo, xin ngồi trước nhà bác B. (gần HTX Hiệp Thành), công xá từ những chiếc thùng tưới, thùng gánh nước, thay đáy thùng…mỗi chiều về, cũng mua cho mẹ chút trầu cau, mua cho con chút đường, thay sữa ! Đêm về, bên ngọn đèn dầu, lật ngữa chiếc xe đạp, nghiên cứu, vẽ cách đan tăm, tháo ra, lắp vào đến sáng chưa xong, tìm hiểu để làm thêm nghề sửa, vá  xe đạp. Lão Mười Xoa – có tiệm sửa xe ở chợ Bình Long – hung hăng :”- Mầy là ai mà ngồi đây ?” Thân phận “chưa có quyền công dân”, đâu dám nói gì…!

THÂN PHẬN


Mẹ tần tảo nuôi con
Đêm mưa và ngày nắng
Cằn cỗi cuộc đời nước mặn đồng chua
Quê ta nghèo mùa được mùa thua
Theo gió bão sớm dưa chiều muối
Tuổi tám mươi Mẹ chưa một lần tiếc nuối
Nuôi con khôn lớn những ngày
Gắng học nên người
Tạo dựng ngày mai
Đời của Mẹ qua rồi thời nô lệ
Đời ta nghèo, nhà ta bao thế hệ
Nước ta nghèo cần chất xám nơi con

Nhưng Mẹ ơi, con chờ đợi mỗi mòn
Xin làm những gì hợp với nghề con
Người ta bảo anh nên làm ruộng rẫy
Và con rất tự hào hăng say cày cấy
Cử nhân như con biết mấy vạn người
Đạp xe thồ, bốc vác chợ trời
Hay tay lấm chân bùn như con của Mẹ
Nên đàn em con
Chẳng học hành ra lẽ
Vì tương lai không định hướng nên người

Bên lề cuộc đời sớm hôm con quạnh quẽ
Ôi quê hương bình minh chưa hé trời đông
Hãy chung tay cùng dựng ánh mai hồng
Cho quê hương bừng lên khởi sắc
Không còn hận thù, phân chia Nam Bắc
Để dựng xây nhà máy, công trường
Để đàn em con hớn hở đến trường

Để con Mẹ chẳng còn bỡ ngỡ
Nhìn quê hương mà ngỡ quê người...

Phan Nguyễn Châu Uyên
1978
    Ngày 20/7/1978 (16/6 Mậu Ngọ) đưa Thái ra Đà Nẵng, chờ sinh Khánh Phi.
    Ngày 21/7/1978, Nguyễn Ngô Khánh Phi ra đời.
    Chiều 22/7/1978, Mẹ móc hết tiền trong túi được 6 đồng  để mình ra Đà Nẵng.
    Đến bến xe chợ Cồn gặp bà ngoại, từ Hòa Châu ra thăm con gái, hai mẹ con vào bệnh viện…
    Khoảng 5g chiều ngày 23/7/1978, mình đan lại cái nôi, mượn cô Ngọc, bỗng Phước – hôn thê Lũy - chạy vào hớt hơ, hớt hãi :”- Anh Châu, bác gái…mất rồi !”
Như tiếng sét bên tai, bàng hoàng…mình mượn xe honda cậu Ngãi, chở em Ngọc chạy bay về quê, trời mưa lâm râm, qua cầu Thanh Quýt đường trơn, anh em ngã lăn quay, dựng xe chạy tiếp về đến ngỏ Nghè Mai, tuôn luôn xuống ruộng, bà Ba Ra kêu lên :”- Con ơi ! Mạ con…”
    Vất xe nhà chú Dần, hai anh em chạy bộ về nhà. Trời ơi ! Mẹ tôi mới hôm qua…làm sao kể hết nỗi đau đớn trong lòng ! Mẹ muốn ra thăm cháu, Lũy chở mẹ bằng xe đạp ra đường cái, “- Mạ đau đầu, chóng mặt Lũy ơi…” rồi ngã xuống đất, mọi người dìu vào nhà bà Ba Ra, thì mất – 14g ngày 23/7/1978 (19/6 Mậu Ngọ)
Các cháu bên mộ ông bà
    Như vậy, mình cải tạo về, cuối tháng 11/1977, đến khi mẹ mất 23/7/1978, mới hơn 7 tháng !
o O o
    Cha cho mấy cây cột “mùn”, mình cùng anh Ngộ kéo xe “bò” ra Hòa Châu, ông bà ngoại cho tre, bà ngoại làm gà ăn cơm tối, anh em đẩy xe về trong đêm.
    Chú Liếng giúp làm nhà, cha dạy đánh tranh rạ, trộn đất sét với rơm làm vách.
    Nhìn con còi cọc, mình ăn trộm con gà của cha, đêm tối bắt nhầm con gà mái đẻ, cha chửi quá trời ! Không có gì mời “quan viên”, lại nghe nói xương chó hầm đậu xanh trị bệnh ghẽ lở trẻ con, mình lừa con chó của cha chạy xuống mương thủy lợi, trấn nước, đãi khách !
    HTX cần người đo đạc. Mình cùng anh Khóa, Nguyễn Đức Thu lập nên “bản đồ giải thửa” đầu tiên. Ngày đi ngắm, cầm “mia”, đêm về dạy bổ túc văn hóa, mình dạy các môn tự nhiên; Trần Hoài Thanh dạy văn, Nguyễn Đức Thu dạy “toàn bộ” cấp 1, Thầy Điểu quản lý, Tào Bạn – Bí thư xã đoàn – hiệu trưởng. Mỗi mùa được chia 60 kí lúa “điều hòa
   Nhờ Ngô Minh Hiền, mình xin được mảnh đất mười mấy mét vuông, gần ngã ba đường cái cũ, thuê người san lấp vội. Mùa gặt đã qua, nhờ học viên bổ túc về dỡ nhà, băng ruộng, dựng lên nền đất mới (nhà bác Hiệp, bây giờ). Thái không hay biết gì, cha cũng ngỡ ngàng, không biết thằng con “khiêng” nhà đi đâu ? Dựng nhà, lợp mái, chỉ trong…một ngày. Thuê cô Mận, gánh gạch từ căn nhà đổ nát của cha, xếp lên làm vách, cửa nẽo trống trơn, cha cho tủ thờ, ông bà ngoại cho bộ bàn ghế.
    Đếm về, khóa xe đạp vào chân tủ thờ, sáng ra mất xe, mất hết quần áo, mất cả kính cận thị của Thái. Nhìn sang bên kia đường, vài chiếc áo trẻ con tơi tả, may sao kính của Thái chơ vơ trên bờ ruộng. Chú Dũng (Trung) gọi con nhà ông Tư hàng xóm, đo chân, bị chửi té tát.
    Thật Trời có mắt, Thái cuốc đất gieo mạ, lượm được khâu vàng. Không dám đi thử vì sợ vàng giả, nhờ em Lan (con dì Bảy) bán dùm, em Lan nói cân được chỉ rưỡi. Mua lại xe đạp, có vốn chạy quanh tìm xe đạp cũ, lấy phụ tùng. Nhớ mãi Trần Lý (Thiếu úy không quân - bạn học Nguyễn Duy Hiệu) cũng có tiệm sửa xe đạp và bán phụ tùng ở gần tháp Bằng An – Điện An. Mình học cách vá xe đạp, “lộn sên”, cân vành…
Nguyễn Ngô Khánh Vỹ - Sa Như Bích
    Ngày 05 tháng 10 năm 1979, Nguyễn Ngô Khánh Vỹ ra đời, sau Khánh Phi 15 tháng !
o O o
    Sau ngày mãn tang mẹ, cha cùng mình làm đám cưới cho Lũy.
    Dượng Tường (chồng cô Ngọc) cho chiếc xe Lambretta, sơn sửa lại thật đẹp. Anh công an huyện Điện Bàn gạ đổi honda 67, mình lại tu bổ ngon lành, nhưng không có xăng để chạy. Để bán có giá, mình tháo tung theo sách dạy :”mở trước, lắp sau”, chùi rữa cẩn thận, đến piston, xy-lanh cạo trắng tinh, còn dùng giấy nhám đánh bóng loáng ! đến khi ráp vào không biết cái nào trước, cái nào sau. Nửa đêm, chạy vào nhờ anh Lê Cao Diện (Thư ký UB xã Điện Phước – GĐ/BHXH Điện Bàn sau này) – Gần sáng, đổ xăng, nó nổ rầm trời, tệ hơn lúc chưa sửa, do xy-lanh không còn kín hơi, nhờ vậy mình biết sửa xe máy. Bán cho anh H. – trại gỗ Hiệp Thành – được 4 chỉ vàng. Mình mua lại xe Suzuki, cũng của dượng Tường, không xăng, đắp chiếu. Trần Hoài Thanh mượn đi Đà Nẵng, lúc về nổ banh lốp, không có lốp để thay, mình đổi ngang chiếc xe đạp duya-ra, kẻ trộm lấy mất.
    Không thể sống như thế này, mình xin cha cho đi kinh tế mới tự túc, cha ngậm ngùi, cha chỉ nói :”- Con còn nhỏ dại, biết làm sao ? an tâm mà đi,ở nhà có em Ngọc, Lũy…” Bán lại cơ ngơi cho anh Hiệp, bà bốn Nam trả một cây, anh Hiệp đưa 8 chỉ. Ngày 2 tháng 9 năm 1980 lên đường, anh em HTX cho thịt, anh Diện cho cái mùng, hàng xóm cho xôi, học trò bổ túc tiễn đưa gia đình Thầy, vào nơi vô định…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét