CHƯƠNG
III
TẬP
TRUNG CẢI TẠO
Lệnh tập trung từ 13 đến 16/6/1975.
Về lại căn nhà vắng, lòng buồn mênh mông,
tội nghiệp con tôi !
Ngày 11/6/1975, báo “Sài Gòn Giải Phóng” số 31, đăng thông cáo qui định tất cả sĩ quan
ngụy, phải trình diện đi “học tập cải tạo”.
Bảng hướng dẫn cho sĩ quan đi “tập trung cải tạo”, đăng trên báo, nguyên văn
như sau :
“
Mỗi người đến địa điểm học tập cải tạo, phải mang theo:
-
1
tháng ăn bằng tiền, mỗi ngày : 300đ x 30 ngày = 9.000 đ
-
1
ngày 0,7 kg gạo, mỗi ki lô bằng : 220 đ x 21 kí = 4.600 đ
-
Tổng
cộng bằng : 13.610 đồng
-
Ngày
tập trung đầu tiên, từng người phải mang theo thực phẩm khô để ăn ngày hôm đó, ngày thứ hai nhà thầu phục vụ
cơm nước “
Chỉ những ai thơ ngây, thì sẽ tin một
tháng, hành trang thiên lý chỉ có hai bộ đồ và tấm chăn mỏng. Mình tập trung
tại đại học xá Minh Mạng trên đường Trần Hoàng Quân – Quận 5. Nhìn quanh, tìm thân quen, có người ngồi bó gối trầm tư, nhưng cũng có người như ở nhà, vô
tư cười đùa.
Khuya 16/6/1975, mình đang lơ mơ, không
biết bây giờ Thái và hai con ra sao ? Bỗng nghe tiếng hô vang :” Dậy, dậy…xếp hàng một, mang cả “tư trang”,
ba người một nhóm…” Mình không hiểu “tư
trang” là gì. Nhìn ra ngoài cổng,
dưới ánh đèn vàng vọt, những chiếc Molotova nối đuôi nhau, ba mươi người leo
lên xe bít bùng, ngồi quay mặt ra sau, hai anh bộ đội còn trẻ măng, cầm súng AK
canh chừng.
Xe
khởi hành, không gian chìm trong bóng tối, không biết về đâu ? Gần sáng, xe
dừng, nghe tiếng anh bộ đội “ – Ai đi giải xuống xe !” Mình không hiểu “đi
giải” là đi đâu, nhưng mấy người lục đục xuống xe đi đái, mình cũng xuống theo.
Nhìn cánh đồng lúa xanh mơn mởn, bầu trời trong veo trong sớm bình minh, mà
lòng mình ngổn ngang trăm mối. Lên xe, nhiều giọng thì thào :”vào rừng…”
Hơn mười giờ, xe dừng, nhảy xuống xếp hàng
một. Một anh bộ đội, có lẽ chỉ huy “- Các anh nhanh chóng ổn định nơi ăn, chốn
ở. Đây là nơi các anh học tập…”
Những cái lô cốt đìu hiu, ngổn ngang vỏ đạn,
quân trang, quân dụng rách nát…cỏ mọc lút đầu, con đường nhựa nham nhở ! Anh bộ
đội chỉ huy nhìn quanh, rồi chọn một anh to lớn, chỉ định làm đội trưởng, anh
Mừng – đại úy quân cảnh –
May sao, trong đội có Nguyễn Đắc Vinh cùng
khóa hải quân – bây giờ ở Úc – gặp lại Trương Vĩnh Ninh (K23/HQNT). Lần đầu
tiên nghe từ “biên chế”, mình ở tổ 4, mỗi tổ 20 người, do anh Ngô Đa (bác sĩ)
làm tổ trưởng. Thôi thì đủ ngành nghề, kỹ sư, bác sĩ, nhảy dù, biệt động quân,
bộ binh, không quân, hải quân, giáo chức biệt phái, kiến trúc sư…
Trảng Lớn - Tây Ninh
Sau mấy ngày dọn dẹp, những số phận giống
nhau, cũng đần dần thích nghi với môi trường mới. Mỗi người được phát hai bộ
treilli và một tấm vải rằn ri để đắp…Đêm mùa hè, nhưng lạnh lẽo trên tấm ri
sắt. Mỹ không ngờ những tấm ri làm đường băng dã chiến, bây giờ là giường cá
nhân, cho những “chiến hữu” của mình ! Hằng ngày tập tành tăng gia sản xuất,
những luống rau muống, tưới nước tiểu xanh um.
Gần một tháng, kể từ ngày tập trung, tất cả
xếp hàng, lên hội trường Trung đoàn. Mình thuộc đội 4 của đoàn 500, do Thiếu
tướng Đào Sơn Tây làm tư lệnh. Căn cứ sư đoàn 25 BB là đây – Trảng Lớn, Tây
Ninh, gần biên giới Campuchia - Anh chính ủy Tiểu doàn 2 - Năm Luân – hướng dẫn
học bài đầu tiên :”Chủ trương của nhà
Nước đối với sĩ quan, binh lính chế độ cũ “ Rồi về tổ, tự phê bình, thảo
luận, liên hệ tội ác của bản thân…
Một chuyện khó quên, sau khi xem phim “ Nguyễn Văn Trỗi” và “Ngày Lễ Thánh”,
cả đội ngồi sinh hoạt, anh Đội trưởng Mừng yêu cầu ai có ý kiến gì, xin mời
phát biểu. Trung úy không quân Dương Hùng Cường – Dê húc càng – hăng hái : “-
Tôi đã từng đóng phim, tôi chưa thấy phim nào mà tuyên truyền dở thế ! “
Anh Mừng hoảng hốt, đề nghị dừng. Lão Thuận – Trung úy bộ binh, đội phó – chữa
cháy : “- Qua xem hai phim vừa rồi, chúng ta mới thấy bộ mặt ắc ôn côn đồ…cộng
sản !” Lão phát biểu xong, vênh váo nhìn mọi người. Ý của lão là “…ác ôn côn đồ Mỹ Ngụy !” nhưng quen mồm
nói luôn một lèo, lão Thuận vội vàng đính chính :-“ Tôi không nói …thế ! “ cả đội cười nghiêng ngã, quên hết ưu tư.
Sau đó mấy ngày, Dương Hùng Cường cùng một
số người khác, chuyển trại, nghe nói ra miền Bắc. Gần cuối năm 1975, mùa Noel
lạnh thấu xương, những tiếng đàn guitar tự chế, mang theo nỗi niềm u uẩn mênh
mông. Hình bóng quê nhà, cha mẹ già lam lũ, vợ con nheo nhóc, không tin tức gì,
lòng mình càng tái tê, buốt giá !
Từ nơi hoang tàn chiến địa, đã chớm màu xanh
cây lá. Những buổi sáng, buổi tối, bên lon guigo “cà phê” cơm cháy và đường Tây Ninh, Trương Vĩnh Ninh tài hoa mài
mài, chế tác chiếc lược nhôm, nhặt từ phế liệu chiến tranh.
Trước tết Bính Thìn (1976), Trung đoàn thông
báo: Hòm thư 7590L1T2, nghĩa là trung đoàn 1, tiểu đoàn 2, đẻ thân nhân gửi quà
và thăm nuôi. Mình bâng khuâng, không biết gửi cho ai ? Gửi về quê ư ? Cha mẹ
và vợ con nheo nhắt, không biết sống ra sao ? đường xa vời vợi, cuối cùng gửi
về anh chị Vũ Mỹ Saigon. Ngày thăm nuôi đầu tiên, nhìn quanh ai cũng có người
thân, chỉ có mình và những người như mình, ngậm ngùi trong trại, chẳng ai gọi
tên…
CÁNH HẠC
Người
đã đến
Không
thư từ cánh hạc
Dấu
giọt buồn
Và
chiều mưa vẫn bay...
Ôi
nỗi nhớ là kim đâm giá buốt
Thịt
da anh, người yêu hỡi có hay ?
Xa
lắm rồi
Kỹ
niệm nào chợt đến
Đừng
em ơi đừng phí một giây nào
Hãy
để giận hờn - xin cho chắp cánh
Và
chỉ còn hai đứa bên nhau
Là
thời gian chắt chiu
Từ
chín trăm ngày xa cách
Là
sông Ngân cách mặt
Ôi
tháng bảy mưa ngâu
Tìm
đâu ô thước bắc cầu
Cho
ta qua bến sông sâu tìm người ?
Dù
là chỉ một giây thôi
Em
ơi sao chỉ là lời đớn đau...
Chiều
buồn chiều anh bơ vơ
Chiều
thương em nhớ chiều mơ anh về
Dấu
xưa tìm cõi hôn mê
Hạc
ơi ngơ ngác sơn khê hạc buồn
Xa
em nhớ chết nỗi lòng
Mưa
giăng khuất nẽo đường trông quê nhà
Nhớ
em và con xa xa
Nhớ
như vô tận nhớ sa mặt trời
Nên
chỉ còn là mưa rơi
Là
giọt nước mắt nhớ người hạc ơi !
Phan
Nguyễn Châu Uyên
Ga Trảng Táo - Xuân Lộc
1977
Nhớ kỹ niệm cười ra nước mắt,
anh T. (Dược sĩ) có mẹ lên thăm, cả tổ giúp anh thay áo quần, mặc quần không đồ
lót. Ngày chưa đi cải tạo thì gầy, bây giờ mập ra do…phù thủng, chiếc quần tây
bó chặc. Anh ngồi xuống bên mẹ, chiếc quần bung chỉ, trơ cả đít ! Mẹ ôm con
khóc không thành tiếng. Mình nhận được gói quà từ chị Mỹ, mấy hủ tương chao và
ít thuốc tây, chao ớt ăn cơm, sao mà ngon quá chừng…
Khoảng tháng 3/1976, tập họp, biên chế.
Người thì đoán đi Phú quốc, kẻ lạc quan có lẽ sắp được về, tất cả xếp hàng đi
bộ ra cổng Trảng Lớn. Sau gần một năm, mới thấy xóm làng. Anh vệ binh dặn dò:
“- Các anh không được tiếp xúc dân chúng,
người dân còn căm thù các anh, sẽ nguy hiểm cho các anh !” Ngang qua chợ
Long Hoa, xin anh vệ binh cho mua ít đường, người mua thuốc rê, thuốc lào,
những tán đường vuông Tây Ninh ngọt lịm, ngon chưa từng có. Điều lạ lùng, dân
căm thù sĩ quan ngụy, nhưng không tính tiền, mà còn cho thêm ? Mình chỉ còn 5
đồng (đã đổi tiền), mua hai ký đường,
vẫn còn nguyên. Đường thiên lý lầm lũi, trời nắng chan chan, qua núi Bà Đen,
vẫn còn đi mãi…
Đường xe be hun hút, lầy lội. Đến cái
“trảng” rộng lớn, chung quanh rừng vây quanh. Anh vệ binh hô lớn :”- Các anh dừng lại, đây là nơi tăng gia,
sản xuất !”. Mấy anh bộ binh nói đây là Đồng Ban, gần Campuchia.
Đêm đầu tiên, túm hai đầu tấm vải đắp, treo
lên cây làm võng, muỗi, vắt tìm hơi người được bữa no nê, trên những thân người
thiếu máu.
Mình
và Trương Vĩnh Ninh được phân công gánh lá. Nhìn răng cửa của Ninh trống hơ,
không nhịn được cười, hai thằng cười lăn, cười bò. Răng bịt vàng, đổi lấy mấy
củ khoai lang.
Tháng 5/1976, chuyển lên Trảng Táo – Long Khánh, lại đốn cây, đốn tre, phát rừng làm rẫy.
Ăn vội cơm nguội, dành lại từ chiều hôm qua,
Hai thằng lên đường với bình đông nước, không có vệ binh đi theo. Cảm giác như
chim sổ lồng, đi dọc theo đường tàu, vào rừng tìm tre, càng đi xa tít. Thỉnh
thoảng gặp người dân tộc, những cô gái mang gùi, ngực trần, mình và Ninh nhìn
không chớp mắt ! Tuổi hai sáu, hai bảy đầy nhựa sống, nhớ vợ nhớ con, gia đình
mình sống bằng gì ? hai đứa con nhỏ dại, bên người vợ còn quá trẻ ?
“Thứ
nhất chặt tre, thứ nhì ve gái “. Gần trưa, chặt xong hai cây tre, buông dao
ngước nhìn trời, làm sao kéo ra khỏi bụi tre rừng ? Phải phát quang, leo lên
chặt hết cành, gai đâm buốt, kéo rách toạc chiếc áo đẩm mồ hôi. Đã xế chiều,
đường về xa ngái, vác hai cây tre lên, lom khom đi chưa được 10 mét, đau vai
quá, đành bỏ xuống. Vác từng cây một, cách khoảng 100 mét, quay lại, vác cây
kia, cứ thế. Đường rừng mịt mù, mau tối, dây leo vương vấn, móc trước, kéo sau,
mò mẩm trong đêm. Về đến trại đã hơn 20 giờ, mọi người nghĩ mình và Ninh trốn
trại…
Sau hai tháng miệt mài, “ổn định nơi ăn, chốn ở”, hai mươi người
một gian nhà tranh. Buổi chiều hè nắng gắt, đốt cỏ dọn vệ sinh, đề
phòng rắn rít, lữa gặp gió trở chiều, suýt nữa cháy nhà. Chỉ tiêu mỗi ngày chặt
hai cây, đường kính ba tấc, bằng dao tự rèn hoặc một cây đường kính năm tấc.
Xong một cây, mình cùng Ninh ngồi nghỉ, cây không ngã, ngọn vướng dây leo, bỗng
nghe răng rắc, đánh sầm trước mặt mình, một nhánh bằng lăng to đùng. Hú hồn,
nếu trúng đầu hai đứa…?
Ga Trảng Táo - Long Khánh
Ngày đốt rừng làm rẫy, anh bộ đội hướng dẫn :”- Đốt ngược gió…” Lữa cháy suốt ngày
đêm, sáng cả góc trời. Những lần đi lấy vật liệu, tranh tre, dọc theo đường rầy,
ngang ga Trảng Táo, nhìn những chuyến tàu Bắc Nam, mình nhớ nhà da diết. Tình cờ
gặp mấy đứa em của Bảo – bạn gần nhà Đà Nẵng - đi kinh tế mới Hàm Tân – Phan Thiết,
những gói “quà” thuốc rê, kẹo, bánh, chuối,
đường…từ người lữ hành không quen biết, trên những chuyến tàu ngược xuôi.
o O o
Lại qua cái Tết Đinh Tỵ (1977), gần 900
ngày xa gia đình, mình không hình dung được các con ra sao ? có biết mình là
cha không ? Ngày rời xa, Khánh Phương mới hai tuổi, Thục Nghi hơn sáu tháng ?
Rừng Long Khánh ngút ngàn, mình cùng Bác sĩ
Phạm Đăng Thiện (Định cư ở Pháp, 1987) và
Dược sĩ B. hiền như con gái, được phân công làm “anh nuôi”. Bốn giờ sáng, nấu cơm, canh, nước cho anh em mang theo
ăn trưa, dọn dẹp, rửa nồi. Chia cơm xong, cạo cơm cháy, mấy anh em lên võng nhấm
nháp, ngủ bù, kể nhau nghe chuyện trời mây…Thức dậy vo gạo, nhặt rau, chuẩn bị
cơm chiều.
Khoảng tháng 5/1977, lác đác mấy anh được
gọi tên về. Anh Mừng – Đội trưởng – cũng được về đợt này, mình bất ngờ khi được
gọi lên gặp lãnh đạo tiểu đoàn, hồi hộp, bước chân đi với bao nhiêu hy vọng, quê nhà lung linh trước mắt…Nhưng
mình được chỉ định thay anh Mừng, làm đội trưởng ! Giao lại bếp cho Thiện.
Anh em đi làm vất vả, cơm không đủ ăn, suốt
ngày lao động, nhưng công việc không xong ! Mình áp dụng giao khoán, mấy anh
quản giáo không ý kiến gì, thế là anh em tha hồ về nghỉ sớm, miễn là đạt năng
suất. Những trái bắp mập ú, những hạt đậu xanh, đậu đen tròn trịa trên vùng đất
mới khai hoang, màu mỡ…
Nhà Nước chủ trương khuyến khích, cấp đất
cho sĩ quan cải tạo được về, lập nghiệp tại chỗ. Cuối tháng 10/1977, có đợt
thăm nuôi lần thứ hai, anh em tất bật chặt cây, dựng nhà, chia phòng, chuẩn bị
đón người thân. Mỗi gia đình một phòng, ở lại 24 tiếng đồng hồ, sau gần ba năm…
Khánh Phương đen đúa như nông dân, không cho
Ba bồng, khóc thét lên. Thái ngượng ngùng như ngày mới cưới. Dỗ dành được con,
ôm con vào lòng, nước mắt rưng rưng. Vợ Nguyễn Hữu Sơn (Thanh Quýt) tình cờ đi cùng chuyến tàu với Thái, cùng xuống ga
Mương Mán. Cha nói với Thái “ Đừng mang
thịt, cá”, chỉ mang muối đậu, mè để mình mau về sớm. Mình nghe tin sắp được
về, không biết khi nào, dặn Thái nán lại Saigon, đợi tin…
Thời gian qua mau, đưa Thái và con ra ga
Trảng Táo, mình nói nhà Nước cho những người cải tạo được về, có thể ở lại đây,
xây dựng vùng kinh tế mới, được cấp 1000 m2 và căn nhà lá. Thái mừng rỡ, Thái
ơi em quá thơ ngây, được về anh như con chim sổ lồng, bay vút trời mây ! Vội vã
bay nhanh, không dám ngoảnh đầu nhìn lại ! Tình phụ tử kỳ diệu, Khánh Phương
khóc thét lên, không rời Ba, tàu chạy xa dần, lòng mình tan nát, nói vậy chứ
biết ngày nào đoàn tụ, cha mẹ ơi !
Thời
gian này, chớm mầm Nguyễn Ngô Khánh Phi.
Nguyễn Ngô Khánh Phi
Một tuần sau, khi giao ban ở tiểu đoàn, anh
Năm Luân cho biết ngày mai mình sẽ được về ! Bất ngờ, luống cuống, mừng vui
không thể tả. anh nhắn nhủ :”Anh phải về
quê hoặc đi kinh tế mới, chứ không thể ở thành phố…”
Một đêm thức trắng, nhìn lại bạn bè bồi
hồi…Sơn còn ở lại, Ninh và Thiện đã về đợt trước. Sáng mai 7g tập trung ở Tiểu
đoàn, nhận giấy ra trại, mười mấy ký gạo và 9 đồng. Mọi người ra ga chờ tàu,
đọc đi đọc lại tờ giấy ra trại, mình vẫn chưa tin, bước chân lên tàu còn quay
lui, có anh vệ binh nào chạy ra gọi lại không ?
Hành trang qui cố hương, ôm gọn trong tay.
Tàu về đến ga Hòa Hưng, vội vã đón xe lam Hưng Phú, qua khỏi cầu chữ Y, thấy
Thái ở xe lam ngược chiều, mình hét to như thằng điên, nhìn bộ áo quần và chiếc
“valy” bằng bao cát, có lẽ mọi người
biết sĩ quan cải tạo mới về, nên cười xòa thông cảm.
Hai hôm sau, mua vé về quê, Chỉ còn đủ tiền
mua nãi chuối ăn đi đường và cơm cho Khánh Phương. Đến Nha Trang, ai cũng đi
ăn, ngoại trừ vợ chồng mình, ngồi lại ăn…chuối. Dì N. đi buôn Đà Nẵng – Saigon,
không quen biết, nhưng cho mượn 5 đồng, vậy là được ăn cơm chiều và mua sữa cho
con. Sáng sớm, xe đến Vĩnh Điện, chào và cám ơn dì N. hẹn ngày báo đáp, cõng con
đi bộ về Hạ Nông.
Bước vào
nhà, không phải là nhà. Căn nhà ngói khang trang ngày xưa, bị bom, chỉ còn trơ nền
gạch đỏ. Mẹ hom hem, không như mẹ của ba năm về trước, cha vẫn căn bệnh phổi mãn
tính, ho hen quanh năm, ho càng dữ dội hơn khi thiếu thuốc. Mẹ, mới hơn năm mươi,
da đã nhăn nheo, mừng mừng, tủi tủi…Thục Nghi khoác ré lên :”…Mẹ, cậu…”, thân thể đầy ghẻ, chốc, đầu cạo trọc lóc. Ôm con trong
tay, đầu óc trống rỗng như tương lai vô định của mình. Mẹ bắt uống bát nước lạnh,
cho khỏi chống nước, cha ngồi nhìn thằng con rồi nói :”Nghỉ ngơi rồi trình diện chính quyền…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét