Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KỲ 5

              Gặp Huỳnh Ngọc Lộc ở TDYT/ Qui Nhơn, hai thằng thuê nhà bên phố, sáng đi tối về, kéo theo thằng Hiền thủy thủ, một phòng trọ, một thằng sĩ quan, một trung sĩ, một thằng lính. Lộc mê “Jackson Five”, để râu kiểu Clark Gable.
                                         
                         Huỳnh Ngọc Lộc                                  Nguyễn Văn Hiền
   Bất ngờ, nhận được tin Tuyết Hoa đang học sư phạm Quy Nhơn từ Thiếu uý H. , hình như hải quân và sư phạm Qui Nhơn có dây tơ hồng vướng víu ! Mình tìm đến trường thăm bạn cũ, vẫn nhìn nhau, không biết nói gì...Mấy hôm sau, Tuyết Hoa cùng bạn gái đến phòng trọ, hai cô đi chợ, cùng ăn trưa với Lộc và Hiền, ăn xong hai thằng biến mất. Ngồi bên nhau, ôn lại những ngày còn dưới mái trường Nguyễn Duy Hiệu, chuyện mây, chuyện gió...Một dấu ấn buồn, mãi đến bây giờ lòng mình vẫn còn hổ thẹn, trước Tết 1971, mình về Đà Nẵng, mang theo lá thư Hoa gửi về nhà, xin tiền mua vé tàu xe về nghĩ Tết, đã nhận tiền, nhưng mình đã dùng vào việc khác và dã man hơn, đã để Hoa mòn mõi trông chờ !
   Ngày ra đơn vị, mình mới hai mươi hai tuổi đầu. Mình say mê kỹ thuật, tuổi thanh niên nhìn đời, hiểu đời sao quá thơ ngây ! Chiến tranh mỗi ngày một ác liệt, anh em , bạn bè mỗi người mỗi hướng.
“…Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…”
       Tháng 2/72 lần đi phép đầu tiên, từ ngày ra đơn vị, lên xe đò về Đà Nẵng mang theo bao nghĩ ngợi, cha mẹ chật vật với cuộc sống ngày càng khó khăn, các em còn thơ dại…Tình yêu đầu đời, mong sớm kết đôi. Cha nhìn thằng con an lòng hơn, con đã trưởng thành, Lũy học chưa về, Ngọc mừng rỡ tung tăng, nhưng mẹ đi làm. Nhìn sang nhà em, ngại ngùng. Chờ em, con hẻm nhỏ thân thương, rộn rã tiếng chào hỏi, tò mò nhìn mình, cầu vai mang cặp omega và bộ đồ xanh tím lạ lẫm. Em như bóng thiên nga lướt nhanh, chớp mắt, ngạc nhiên, rồi chạy ù vào nhà mất hút. Mình sang, mẹ Thái đang đánh tứ sắc với bà sáu Xảo, ông Thanh…nhìn nhau, chẳng nói được gì.
    Mình xin phép mẹ Thái, cho em đi chơi, “ – Không “ và cũng không thân thiện như xưa ! Từ khi biết chuyện yêu đương của mình và Thái - anh Túc là chứng nhân đầu tiên của mối tình thơ dại này – những lời bàn ra, tán vào bất lợi của họ hàng bên mình đã gây hiềm khích giữa cha mẹ với gia đình Thái ! “ – Bây giờ, mới tí tuổi đầu đã cận thị, sau này…đui luôn !” “ – Không có mầy, hết anh này anh khác…” “ - Không hợp tuổi đâu con ! “ “ – Chỉ hợp nhãn thôi…”
    Vô tình hay cố ý, tiếng nhạc bên nhà em vang vọng, xót xa…
“ Tối qua có người đến nhà xin bỏ trầu cau
Ba mẹ đón chào, chuyện hỏi cưới bàn thật lâu
Em buồn em khóc biết bao nhiêu
Nhớ anh và thương anh thật nhiều nhưng lòng giận anh và yêu anh
cớ sao không tìm em
Mẹ thương em đến bên giường hôn trán em thì thầm
Con nhỏ này dại ghê mẹ chọn nơi quyền quý người ta thế mà chê
Cưng nghe mẹ đi cưng hai lần hai là bốn thực tế vậy mà thôi…”
    Không cho phép thì đành trốn học đi chơi, mình đưa em vào cà phê Thạch Thảo, Chiều Tím, em ngại ngùng nhìn quanh, sợ gặp người quen, rừng thông Nam Ô, bãi biển Mỹ Khê…
M Khê này em - tôi yêu em
Cát trng hn nhiên sóng du hin
Ta - c nhân ch như khách l
Mt đi phiêu bt vi truân chuyên

Li mt Xuân v -  em có hay
Nam Ô này em - rng dương say
Vi vu thi mt tình trong mt
Đà Nng  này em - mưa bi bay
……..
    Bao nhiêu lời xì xào như kim đâm, mình lại liên tưởng ngày về Saigon – khi còn SVSQ - tham dự diễn hành ngày Quốc Khánh 19/6/1971. Nghe tin em theo chuyến bay cùng anh Vũ vào Saigon, thăm nhà một anh không quân ? Mình đến cư xá Nông Lâm Súc, dò hỏi thăm qua anh Ngô Út – anh Năm em – “ – Anh Vũ ở lộ 20, đường Hựng Phú, Quận 8. Mình vội vàng đi tìm, trời đổ cơn mưa, đến nơi, nhưng em đã về Đà Nẵng…
   Gần một tuần phép, em trốn học cả bảy ngày. Mình hối hả, muốn có nhau, chỉ một con đường, em đã khóc, em chưa tròn mười bảy…
   “ – Ngày mai hết phép, yêu anh hãy theo anh, nếu không, mình xa nhau mãi mãi…” Bến xe Ngã Năm, ngóng trông bóng dáng em nhỏ nhoi mà lòng như có lữa ! Mình không chắc sẽ cùng em, đầu óc nghĩ ngợi mông lung…mừng rỡ và lo âu, em đã đến, vẫn chiếc cặp đi học, không áo quần mang theo, chỉ có giấy màu để cắt những bông hoa…
    Nhìn quanh, chiếc traction đen chờ khách, lên xe, bất ngờ gặp ông Có ngồi lù lù, mặc kệ, lỡ rồi ! Đến Quảng Ngãi, xuống xe. Em như con chim non gặp mùa bão tố, co ro, giao phó cho cuộc đời trôi nổi. Tìm chú Mười Thi, cậu Nghĩa kể hết sự tình, các vị cho thêm ít tiền lộ phí, mua cho em bộ đồ mặc đi đường…Ngày mai đi tiếp Qui Nhơn.
    Nhờ Vàng Huy Luyện (OCS) cho ở nhờ, vì vợ Luyện về quê sinh em bé. Những ngày hạnh phúc đầu tiên, mê say quên trời đất. Bỗng Huỳnh Ngọc Lộc mặt tái xanh thông báo : “- Ông già Thái…” Tiếp theo sau là Ba Thái và anh Vũ ! Ba nhìn quanh, không nói gì, anh Vũ mặt lạnh như tiền, em nép bên mình ngơ ngác. Ba thẩn thờ rồi thong thả : “- Thôi các con đừng về Đà Nẵng nữa ! cứ vậy mà sống, có gì ăn không, trưa rồi !” Mình nhẹ người, em loay hoay dọn cơm, nhưng chỉ có hai cái chén và hai đôi đủa ! Anh Vũ hầm hầm kiên quyết bắt em vê, mình nghĩ đến khẩu P.38…
   Mọi việc theo sự dàn xếp của chị Thanh – vợ anh Thăng, gọi Ba bằng dượng – Phạm Hữu Phước bỏ công tác, đóng vai quân cảnh cùng nhau về Đà Nẵng. Cha mẹ ngạc nhiên sao thằng con đi rồi lại về, theo sau lại có ông quân cảnh hải quân ! Mình cúi gầm mặt, đầu óc rỗng tuyếch, nghe loáng thoáng ông quân cảnh trình bày “…dụ dỗ gái vị thành niên….quân pháp…cách-xê ga-lông…bộ binh…” Mặt cha tái dần, mình điếc đă không sợ súng !
Phạm Hữu Phước
   Đám cưới vội vã diễn ra sau đó mấy ngày (03/4/1972), hàng xóm xì xầm, nhưng không ai biết mình đã dắt em ra đi…
o O o
    Vào Qui Nhơn, mình và Phước trình diện Chỉ Huy Trưởng HQ Trung tá Nguyễn Văn Pháp, phen này Phạm Hữu Phước lãnh đủ vì mình, nhưng CHT cảm thông vì bạn mà Phước dấn thân, có lẽ chưa thấy thằng nào, vì sợ mất người yêu, mà liều như HQ Thiếu úy Châu cơ khí, may không thằng nào bị ký củ !
    Mình sang lại căn nhà ở khu gia binh của Trung úy Châu, xin mẹ cái máy hát Akai mở quán cà phê kiêm quán nhậu, bia bọt lấy của Đại úy Tích (CHP/HĐ2ZP) bán trước trả sau, lần hồi hết vốn, thuê con bé phục vụ, nó lấy hết tiền, Thái biết mà không dám nói ! bán luôn cái máy hát trả nợ. Giai đoạn này có thắng lính nhậu say, phá quán, mình bắn nó, may hắn không chết, chỉ bị rách tai.
    Phạm Hữu Phước với những đường cơ lã lướt, độ nhau bằng gói thuốc, cà phê. Những đêm khuya, tiếng pháo kích vào căn cứ ầm ì, em chong đèn chờ, lấy giày mình ra đánh bóng, vì mình còn mãi mê bi da trên câu lạc bộ.
    Nghe tin Thái bị hư thai, cha vào thăm, mình mời cha vào tiệm, gọi con bồ câu hầm thuốc bắc, cha đứng lên đi thẳng…  
    Mùa hè năm 1972, đã để lại những đau thương, mất mát to lớn. Mình bàng hoàng khi nghe tin cậu Nghĩa – Chi đoàn trưởng, chi đoàn ¼ chiến xa – đã mất tích tại chiến trường Quê Sơn ! Đường bộ từ Qui Nhơn về Đà Nẵng, không thể đi, mình thuê ghe cùng Thái – đang mang bầu Khánh Phương – đi dọc theo duyên hải về đến Quảng Ngãi, lên xe đò về Đà Nẵng.
    Mình cùng cậu Bốn Đa, dượng ba Hiền đi honda lên Quế Sơn, rừng lá thấp còn đang bốc mùi chiến trận, xác tử sĩ dọc ngang chiến hào, chiếc trực thăng tan tành cùng hai xác phi công, những tử thi cháy đen, chỉ còn hai thanh thép ba lô, trời mùa hè nóng như đỏ lữa, nên những chiến sĩ trận vong cả hai phía, khô đét đau thương. Mấy ngày sau, có anh lính truyền tin chi đoàn chạy về thông báo, anh nghe loáng thoáng :” – Bắt được Đại úy thiết giáp, có súng colt “
    Cậu Nghĩa có nhiều bạn là văn nghệ sĩ...
..............
".....  Hà Nguyên Thạch là cựu học sinh trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng cũng như Trương Duy Hy, Đynh Hoàng Sa, Phan Nhật Nam, Vũ Ngự Chiêu, Lệ Hằng, Nguyễn Hưng Quốc, Trần Gia Phụng, Huy Giang, Phan Duy Nhân, Lê Hân, Phạm Vũ Thịnh, Vương Ngọc Long, Võ Ý, Vô Tình, Tôn Thất Phú Sĩ, Nguyễn Hữu Viện, Trương Đức Thủy, Nguyễn Nam An, Thành Tôn, Nguyễn Nho Sa Mạc, Trần Vinh Anh, Nguyễn Đức Cung, Thùy An, Lam Hồ, Hoàng Trọng Bân, Châu Văn Tùng, Lê Mạnh Trùy, Tô Yên, Luân Hoán...và còn nhiều nữa, những người vui chơi trong thế giới văn học nghệ thuật, mà tôi chưa biết hết, chưa kịp nhớ ra.
.........
Trích:
 http://www.luanhoan.net/tacpham/hoikyroi/HaNguyenThach/Ha_Nguyen_Thach.htm 
..............
   
          Nhớ lại với những ngày đầu tôi biết danh Đinh Cường, vào những năm đầu của thập niên 60. Thời ấy Huế có nhiều người sinh hoạt văn học nghệ thuật, đang trên đường lập danh. Tên tuổi những người đã vượt đèo Hải Vân vào đến Đà Nẵng của chúng tôi có Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Trần Quang Long...nhiều nữa. Riêng Đinh Cường, anh đã tham dự một cuộc triển lãm chung, trong đó có Hoàng Trọng Bân, Nguyên Hạo của Đà Nẵng. Phòng tranh này tôi được hai bạn Lam Hồ và Tô Yên Lê Văn Nghĩa cho biết. Lúc đầu tôi dự trù sẽ đi xem nhưng không hiểu sao, giờ chót tôi cùng Châu Văn Tùng vào Hội An. Có thể tôi nhớ không chính xác về lần bày tranh này. Nhưng một cuộc triển lãm khác của Đinh Cường tại Centre Culturel Francais de Danang, nằm ở ngã tư hai đường Độc Lập và Thống Nhất, thì tôi vẫn chưa quên. Cuộc triển lãm hình như được bảo trợ bởi Trung tâm Văn hóa Pháp.Trong buổi cắt băng khai mạc tôi thấy có những viên chức người Pháp, nhà văn Duy Lam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhiều khuôn mặt trí thức khác. 
          Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gọi Đinh Cường là Thi sĩ của hoài niệm. Ông diễn đạt nhận xét của mình:
          ... “Với cái nền lãng mạn đầy tính chất thi ca, Đinh Cường đã say sưa ‘vọc’ sơn dầu và nhồi nặn tâm hồn mình vào trong ấy. Thời gian ấy, tôi rất hiếm thấy những họa sĩ trẻ sử dụng sơn dầu nhuần nhuyễn như Đinh Cường. Và đó cũng là giai đoạn của những khỏa thân xanh (nu bleu) khỏa thân hồng (nu rose) phảng phất đường nét của Modigliani, một trong những bậc thầy về chân dung mà anh rất ngưỡng mộ và yêu mến...”
.................
Trích : http://www.luanhoan.net/tacpham/hoikyroi/DinhCuong.htm
................
Cũng trong thập niên 60, khởi từ lực lượng học sinh, đã đẻ ra nhiếu bút nhóm, sinh hoạt văn học khá khởi sắc . Ðáng kể nhất là nhóm "Cùng Ði Một Ðường" của trường trung học Phan Chu Trinh. Nhóm này qui tụ :
  • Nguyễn Hữu Nuối, bút hiệu Lam Hồ.  tác phẩm: Tiếng Ðộng Trong Khu Phố Nhỏ (truyện)
  • Phan Chánh Dinh bút hiệu Phan Duy Nhân, Dương Phù Sao
  • Nguyễn Ðăng Trừng, bút hiệu Huy Giang,
  • Lê Văn Nghĩa, bút hiệu Tô Yên
  • Hồ Cư không dùng bút hiệu.
  • Tôn Thất Chân Tu, bút hiệu Chu Tân
  • Vương Thanh: Khu Rừng Mùa Xuân, truyện Văn Học 1964
  • ...
..............
Trích : http://www.luanhoan.net/danang/htm/danang06.htm
..............
          Căn phòng thứ 2 của khu Trùng Khánh như vậy vẫn có đến 3 nhân khẩu. Thật ra tôi và Vương Thanh đi đi về về không nhất định giờ giấc. Dẫu vậy, tôi cũng không quên một thói quen dễ thương được lặp lại mỗi ngày. Vào khoảng 4 giờ chiều hoặc sâu hơn chút đỉnh, không có tiếng còi, nhưng đội ngũ của những người mê văn thơ, trình diện gần đầy đủ trong một phòng nào đó, hoặc ngay trên hành lang hẹp của chung cư. Ngoài những khách trọ của Trùng Khánh, nếu quan sát từ cửa sổ khách sạn Việt Nam, gần như chiều nào cũng gặp được những nhân dạng: Lê Văn Nghĩa, đại úy Thiết giáp, bạn học từ thời đệ ngũ với tôi ở Phan Châu Trinh Đà Nẵng, anh làm thơ dưới bút hiệu Tô Yên. Khắc Minh, anh chàng binh nhì địa phương quân, con của một đại phú gia của thị xã Quảng Ngãi, làm thơ khi đứng cai quản quán sách Quang Trung trước trường Trần Quốc Tuấn. Phan Nhự Thức, thiếu úy Địa phương quân, luôn luôn mang bên mình một cái cặp da nhẹ hều. Trần Thuật Ngữ, thư sinh nhưng không đến trường vì ngại bị bắt quân dịch, làm thơ vững vàng. Anh nhút nhát như con gái. Trần Anh Lan, trung úy Pháo binh, cười và uống nhiều hơn nói. Phạm Cung, lầm lì, lừng khừng như những mẩu vẽ lập thể của anh. Logo “con nai” tôi dùng cho nhà xuất bản Thơ, từ tay anh mà ra. Đynh Hoàng Sa, viết truyện, dịch truyện, làm thơ, dạy học đề huề chừng mực. Những buổi tụ họp đông vui như thế, thường thường để tường trình, thông tin đủ thứ chuyện trên đời. Dĩ nhiên không thiếu rượu, bia. Chúng tôi học đòi cách uống rượu đổ ra thau, mạnh ai nấy múc. Rượu tương đối xịn, thường do quan ba Nghĩa mang tới. Chuyện say sưa cũng có nhưng rất hạn chế và đằm thắm. Duy có một lần tưởng đã nổ súng. Lần đó một anh chàng ở khách sạn Việt Nam cao hứng thế nào, góp chuyện với chúng tôi bằng một tàn thuốc từ trên lầu ném xuống. Cuộc vui bị xúc phạm, dù có thể vô ý, tình cờ. Chúng tôi không bỏ qua. Đồng loạt ùa qua khách sạn Việt Nam, lên lầu. Oái ăm thay, người hung hăng nhất là tôi. Với khẩu colt 45 có đạn sẵn trong nòng, tôi lầm lì tiến như đang thanh toán mục tiêu. Rất may, hai anh bạn có mặt trong phòng khách sạn hôm ấy kịp thời khôn khéo vờ ngủ say, nằm im. Cơn giận của tôi như một quả bong bóng gặp gai đâm, xì xuống mau lẹ. Sự nhũn nhặn biết người biết ta đúng lúc, nhiều khi là một vũ khí hữu hiệu để chế ngự đối phương. Nếu chạm phải một đối thủ sừng sỏ, chắc ngón tay trên cò súng của tôi khó giữ được bình tĩnh, hú hồn. Nghĩa đá một cái vào đít anh chàng nằm trên sàn nhà và chúng tôi...rút quân. Về đến phòng tôi bắt gặp Nghiêu Đề mặt xanh như tàu lá, anh ngồi sát vách phòng. Ú ớ một hồi anh mới khuyên tôi đừng nên quá võ biền. Triết lý sống của anh rất đơn giản: chén kiểu đừng nên chọi với chén đất, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Ai là chén kiểu, ai là chén đất ? Anh bạn họa sĩ của tôi đúng là một người lành. Ngoài tài hoa về hội họa và văn thơ, anh còn là tay bông đùa duyên dáng vào bậc nhất trong hàng ngũ văn nghệ sĩ miền Nam. Chuyện đùa chuyện thật với Nghiêu Đề luôn luôn lẫn lộn. Anh dí dỏm lạc quan ngay cả khi tôi ngã ngựa sau này:
          “Mày giỏi lắm, mày chỉ dùng có bàn chân trái mà đá nát được kỷ luật giấy phép, để muôn năm về với vợ con, võ công đó tao muốn học vô cùng...”
(trong 1 lá thư của Nghiêu Đề)
.................
Trích : http://www.luanhoan.net/tacpham/QuaKhuTruocMat/web/ThiXaQuangNgai.htm
............
 Khởi từ đầu thập niên sáu mươi, tại thành phố Đà Nẵng, lớp sinh hoạt thơ văn trung niên và sắp về già như: Thái Can, Vũ Hân, Quốc Dân,Việt Trữ, Hồ Mộng Thiệp, Trần Gia Thoại, Tô Như, Thanh Phương, Anh Đô, Hoàng Trọng Thược... hình như chỉ thu hẹp sinh hoạt trong địa bàn thành phố. Cùng lúc đó, trong đám học sinh, nở rộ việc thành lập thi đàn, bút nhóm. Có vóc dáng và nghiêm chỉnh nhất trong những tập họp này là nhóm Cùng Đi Một Đường. Tôi không rõ ai khởi xướng, ai giữ chân nhóm trưởng. Nhưng thành viên của nhóm, hết thảy, với tôi, đều bạn thân tình : Phan Duy Nhân, Huy Giang, Lam Hồ, Tô Yên, Hồ Cư. Trong năm tay viết, có đến ba nhân vật tập tành... khuynh tả. Và cả năm đều có bài đăng khá đều đặn trên các tuần báo, nguyệt san, tạp chí tại Sài Gòn.
          Huy Giang tên thật Nguyễn Đăng Trừng, hiện hành nghề luật tại Sài Gòn.
          Lam Hồ tên thật Nguyễn Hữu Nuối, viết mạnh và đều nhất thời bấy giờ, nhưng đã sớm gác bút khi hành nghề dạy học, hiện vẫn ở Đà Nẵng.
          Tô Yên tên thật Lê Văn Nghĩa, trở thành thiếu tá binh chủng Thiết giáp VNCH, đã hy sinh ở mặt trận Quế Sơn Quảng Nam năm 1972.
          Hồ Cư dùng tên thật làm bút hiệu, đã biệt tích khá lâu trong những ngày anh lên rừng “làm cách mạng”.
...........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét