Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KỲ 3

    “ Vùng đất Đà Nẵng thời hoang sơ vốn là đất của nước Chiêm, phương Nam, đến đời vua Trần Anh Tông, vua Chiêm là Chế Mân đã cắt phần đất này và sáp nhập vào Châu Hóa của nước Đại Việt kể từ tháng 6/1306 đến tháng 10/1307 để cưới công chúa Trần Huyền Trân. Từ tháng 11/1307 đến tháng 7/1402, sau vài biến động lịch sử, vùng đất này lại thuộc Chiêm quốc.
    Sau khi nhà nước Đại Ngu được thành lập, vua Hồ Quý Ly đã tiến hành phân bổ lại đất đai và vùng đất này thuộc  Châu Thăng từ tháng 8/1402 đến tháng 7/1406.
   Từ tháng 8/1407 đến đầu năm 1471, hơn 63 năm, do bối cảnh lịch sử, vùng đất này được trả về cho Chiêm quốc, mà lịch sử nước ta gọi là đất “Kimi”, mãi đến tháng 6/1471 niên hiệu Hồng Đức, đời Lê Thánh Tông, sau đại thắng quân Chiêm, nhà vua đã lấy đất từ Nam Hải Vân đến Thạch Bì Sơn lập ra đạo thừa tuyên Quảng Nam (chỉ vùng đất rộng lớn ở phương Nam). Vùng đất Đà Nẵng từ đây mới thực sự thuộc đất nước Đại Việt.
    Cuối thế kỷ 12, dưới triều nhà Nguyễn, Đà Nẵng cũng như bao thị trấn bình thường khác trên đất An Nam. Lúc này công cuộc thăm dò thuộc địa của các đế quốc Phương Tây đang bắt đầu. Tại Việt Nam mở đầu là sự xuất hiện các nhà truyền giáo và các nhà buôn : Bồ Đào Nha, Anh, Ấn, Hà Lan, Pháp, Nhật, Hoa…
    Mở đầu  từ kinh thành Huế, các nhà truyền đạo tỏa đi và một số đã đi về phương Nam, vượt qua Hải Vân quan để đến Đà Nẵng. Đà Nẵng bước đầu đã được Pháp biết đến qua các ghi chép của các nhà truyền đạo. Pháp nhìn thấy Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, nên vào năm 1841, một tàu chiến Pháp bỏ neo ở Vịnh Đà Nẵng thăm dò rồi đi. Đến năm 1847, hai tàu chiến Pháp bắt đầu gây hấn, bắn phá một số đồn bót dọc sườn núi Sơn Trà. Đến năm 1858, liên quân Pháp – Y Pha Nho lấy cớ triều đình Huế bắt các nhà truyền đạo của họ nên tấn công Đà Nẵng, nhưng bị dân quân Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn tri Phương phản kích dữ dội. Suốt 1 năm 6 tháng 20 ngày không chiếm được Đà Nẵng, thiệt hại càng lớn, nên quân xâm lược đành rút lui và chuyển hướng tấn công vào Nam bộ.
Cảng Tiên Sa
    Trên đường vào cảng Tiên Sa, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng ngày nay, có một nghĩa địa chôn cất lính Pháp và Tây Ban Nha (hay Y Pha Nho) tử nạn trong trận đánh vào Đà Nẵng năm xưa, hiện chỉ còn căn nhà nhỏ, mặt tiền có chiếc Thánh giá với một từ tiếng Pháp chạm nổi Ossuaire (đồi hài cốt). Đây là ngôi mộ chung của 32 binh lính chết trận từ năm 1858 – 1860.
    Sau nhiều biến động lịch sử, hiệp ước Patenotre ký ngày 06/6/1884. Đà Nẵng chính thức trở thành nhượng địa của Pháp. Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Tourane được người Pháp đầu tư xây dựng trở thành một đô thị lớn theo kiểu Tây phương, các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển : nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu (chè, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nước đá, rượu, nước mắm, cá khô, sửa chữa tàu thuyền, kinh
Doanh dịch vụ…) cùng với Hải Phòng và Saigon. Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước.
    Đèo Hải Vân là một mạch núi trong dãy Trường Sơn, là ranh giới giữa Thừa Thiên – Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng ở phía Nam. Đỉnh cao nhất cách 500m so với mực nước biển. Đèo Hải Vân từng được mệnh danh là “ Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Trên đèo có ải tên Hải Vân Quan từ thời Minh Mạng”.
    Năm Đệ Nhị mình chọn ban A, trong lớp có nhiều khuôn mặt mình nhớ đến bây giờ, Vĩ Văn Thông (sau pillot trực thăng), hôm nào cũng xuống nhà nó ở Triệu Nữ Vương cùng đi học, sau này không nghe tin gì về Thông. Tôn Thất Hoàng Tú (Bác sĩ – SG), Hồ Thị Ngọc Chánh, Chị Hường, Phan Thị Thu Thanh, Phạm Văn Đức, Nguyễn Thị Hồng – em vợ  Đại Tá Lê Cảnh Di, không quân – đi học bằng xe jeep, xuống nhà học thi Tú tài 1 với mình, nhưng làm sao học được, khi Hồng dạn dĩ thích chơi trò yêu đương hơn học, Hồng mập, to, còn mình như con nhái bén “L19 chơi với B52”. Có lần sắp vượt quá giới hạn, nhưng mình nhát quá không dám…dấn thân, rồi Hồng bỏ thi Tú tài 1, về Nha Trang sinh con ! Nếu…(sau này gặp lại Hồng, trong lần ra Nha Trang tìm mua hải sản khô xuất khẩu, Hồng có giới thiệu với con gái và nhờ cháu hướng dẫn thu mua…), Trần Thị Như Mai (chị Trần Đình Định), Võ Thị Thu Cúc…
    Mình dỗ Tú tài 1, Cha mẹ rất vui và tự hào, hai cha con đi bộ xuống ngã Năm, qua đường Hoàng Diệu. Cha mua ngay chiế Velo-Solex mới tinh ! Ôi sung sướng quá, hầu hết học sinh đi xe đạp hay đi bộ, mà mình đi xe máy !
   Mình thầm cám ơn cha – nhưng rõ mình là thằng con bất hiếu. Một lần chở cha tìm mối bán hương ở chợ Hàn, trời mùa đông rét mướt, gió từ sông Hàn thổi lạnh buốt, cha mặc chiếc áo măng-tô cũ, vừa đi vừa ho, tìm không được mối nào…trong khi mình e ngại nhìn quanh, lo lỡ có bạn nào bắt gặp ! Từ đó, đi đâu cha không cho mình chở đi nữa. Tuổi mười lăm, mười bảy chỉ nghĩ về mình, cơm áo, gao, tiền ỷ lại song thân. Đôi lúc xin tiền rong chơi, cha mẹ cho ít, mặt còn phụng phịu ! “ Đến khi có con và con đã trưởng thành, vẫn chưa hiểu hết tấm lòng cha mẹ ” Ôi, công ơn cha mẹ cũng thấm dần và thấu hiểu theo thời gian, tuổi hai mươi, ba mươi, bốn mươi…mỗi ngày mỗi khác, sâu đậm ân tình, nặng trỉu lòng, theo suốt đời bôn ba danh lợi, mưu sinh.
    Cha mẹ ơi ! Đến khi con hiểu, cha mẹ không còn nữa. Chưa đến tuổi ba mươi, quanh quẩn bên mẹ, nặng tình với mẹ hơn cha. Tuổi bốn, năm mươi nặng tình cha hơn mẹ, sự nghiệp một đời theo gương, bương chải theo cha – “ Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gian khó cuộc đời không ai khổ bằng cha “. Khi tuổi đã qua bên kia dốc cuộc đời, ngẩm nghĩ sao mà đúng quá !
    “ Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, chỉ có sức khỏe là của mình.
    Cha mẹ yêu con là vô hạn, con yêu cha mẹ là có hạn.
    Con ốm cha mẹ buồn lo, cha mẹ ốm con nhòm một chút, hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
   Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền con không dễ.
   Nhà cha mẹ là nhà con, nhà con không phải là nhà cha mẹ “
   Khi hiểu đời, ta coi coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp, không chờ báo đáp ! 

    Năm 1968, Tết Mậu Thân, súng nổ khắp thành phố, thây người chết cong queo…
 oOo
     Năm Đệ nhất (1968 – 1969) mình học hành giỏi giang hơn. Nhớ cùng Chương “gồ”, Vĩ Văn Thông, đánh máy, quay ronéo cho đặc san “Hành trình” . Kỹ niệm năm cuối ở trường trung học Sao Mai, đã cho mình biết bao buồn vui. Những ngày học thi, đối diện nhà có Ngô Út – Phan Chu Trinh, sau này là anh vợ mình, Viện trưởng Viện Qui hoạch Lâm nghiệp – cũng ôn thi Tú Tài 1, hai thằng thi nhau chong đèn. Mình đã thầm yêu Thái – em Út - nhưng em còn nhỏ, mình đã xin cho Thái và em Bình vào trường Sao Mai, những lần ra hiệu, ôm nhau vội vã…Xóm mình có bốn đứa, chỉ mình đậu Tú tài 2, cha mẹ mừng và càng lo hơn…
    Tháng 9/1969, cha dắt mình ra Huế, mang theo thư giới thiệu của Cha Huỳnh, gởi cha quản lý cư xá Xavier, nhưng không còn chỗ trống. Cha gửi trọ nhà anh Ba Hóa trên đường Chi Lăng, gần chùa Tàu. Nhà anh Ba Hóa có Thu, học lóp 9, Cơ bạn Thu nhờ mình dạy kèm…Nhưng chưa đầy hai tháng, cha gọi về cho đi Saigon, sợ ở Huế “ Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành !”. Khi vào Saigon, mình nhận mấy lá thư của Cơ, nhưng không hồi âm, nghe nói sau năm 1975, cô công tác ở Sở Giáo dục TP.Huế.
   Huế - 1969
 Thi mấy trường không đỗ, cha mong con mình vào y khoa. Mình ghi danh học SPCN – Đại học Khoa học - mong năm tới thi lại y khoa, trường y khoa đã bỏ chứng chỉ dự bị. Ở trọ nhà ông bà Thơm, có em Nga, em Mỹ - trước cùng xóm ở Phan Chu Trinh, Đà Nẵng – gần cầu Phan Thanh Giản (cầu Điện Biên Phủ) - đi học về phụ với bà Thơm bán tạp hóa, đi mua hàng ở chợ Cầu Ông Lãnh, tối dạy các em. Cha gởi tiền mua xe “Motobicane” gần ba lượng vàng để đi học.
    Nga rất dễ thương hay nhỏng nhẽo, nhưng không chăm học, mới Đệ lục (lớp 7) đã biết làm dáng. Đôi khi chở em đi học, em lại đòi trốn học, chở đi chơi, mình cũng muốn mà không dám. Đêm ngồi học bài, mình và em chẳng học được gì, em cứ nghiêng đầu trên sách nhìn mình ! Có lẽ mình “cù lần” chăng ? Không, vì trong lòng mình hình ảnh Thái thơ ngây ngự trị mất rồi.
Thời sinh viên  
    Gần Tết, cảm thấy bất tiện, mình xin xuống ở nhà cô Phụng. Cô dượng thuê căn nhà mười mấy mét vuông (195/27c Nguyễn Thông nối dài – gần ga xe lữa Hòa Hưng). Cô dượng đi phụ hồ lam lũ, sáng tinh mơ ra đi, tối mịt mới về. Em Phụng – cùng tuổi, đã có chồng, hai con bé xíu – Cháu Trinh mới sinh, cháu Tuấn đầu lòng, mới hơn một tuổi, chồng trốn quân dịch, phải ở lại trên chỗ làm. Em Hoàng học lớp ba, đi học về phải bồng, giữ cháu Tuấn, xệ cả bên hông. Buổi trưa chiên cơm với trứng, buổi chiều Hoàng đi học, mình lại ru em…
    Mình đã tìm được hai chỗ dạy kèm, đêm thì quận ba, đêm thì Hạnh Thông Tây, Gò Vấp…đở cho cha mẹ phần nào. 

    Những ngày đầu năm 1970, tình hình đấu tranh của sinh viên Saigon sôi động. Chưa kịp thi, các trường Đại học bãi khóa, khoảng tháng 5/70 mình về Đà Nẵng. Chiếc xe cha mua cho, bán lại cho người khác, để làm lộ phí về quê, xuống chợ Bến Thành mua về tặng cha chiếc mũ nỉ, tặng mẹ chiếc khăn quàng cổ, cha chửi mình là đồ phá của.
    Lang thang trên đường phố buồn hiu cùng Nguyễn Văn Hồi (sau vào khóa 23/HQ Nha Trang) bị cảnh sát bắt vào giam ở Quân trấn Đà Nẵng, sinh viên Saigon về đây chỉ “sách động biểu tình” !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét