Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KỲ 12

    Hè 1990, gần mười năm thăng trầm ở đất Dầu Giây, Khánh Phương đã học lóp 11, Thục Nghi được tuyển thẳng vào lớp 10, Khánh Phi lớp 6, Khánh Vỹ lớp 5. Mình gửi Khánh Phương ở nhà anh Thăng – chị Thanh, anh Thăng dạy toán có tiếng ở trường Nguyễn Trải – Hố Nai – Biên Hòa.
    Những câu chuyện vượt biên lan truyền, tài công có giá được mang theo cả gia đình. Cả nhà lên Saigon, tá túc nhà chị Mỹ - anh Vũ, chờ ra đi. Chiếc ghe mỏng manh, chèo tay (taxi) đón cả nhà dưới cầu Hiệp Ân – Quân 8, mình mang theo chiếc la-bàn, hải đồ do Nguyễn Văn Vy (cùng khóa – USA) giao cho. Nước ngược dòng, tay chèo ra sức, đến điểm hẹn đã quá nửa đêm, bốn bề mênh mông nước, rừng đước ngút ngàn, không một bóng người. Mặt trời đã ló dạng ửng hồng, không một thông tin, anh lái xuồng con ngơ ngác, mình năn nỉ chở về, hứa cho hết những gì mang theo…Gần trưa, ghe tấp vào bến phà Bình Khánh, phía Nhà Bè, tay vẫn ôm khư khư la bàn, cả nhà phờ phạc, con cái đói meo, lên xe lam về lại nhà chị Mỹ.  
    Phạm Hữu Phước “mách” mối khác, gởi nhà cho Thầy Quí, gởi xe đạp, chiếc TV 9”, mấy con gà cho Phước. Cả nhà lại lên đường, “hướng dẫn viên” mang giúp hành trang, mời lên xe đò. Đến chợ Thái Bình, ngồi chờ đến tối không thấy ai hỏi !
Vậy là áo quần tốt nhất mang theo, bay vù theo “hướng dẫn viên”. Về nhà, nhận lại những đồ đã gửi cho Phước, chỉ thiếu mấy con…gà ! Sau chuyến này, Thái, Phương, Nghi sợ hết hồn, không dám nghĩ đến chuyện ra đi !
    Mình mang theo Phi (12), Vỹ (11 tuổi) lần xuống Cần Thơ, Rạch Giá, Cần Giờ, Tân Cảng… con ngây thơ, đi theo ba là thích. Ngủ bến xe, trên con tàu đang sửa chữa ở bên Ninh Kiều, cơm hàng cháo chợ…Tàu còn trên sông, nghe súng bắn đùng đùng, con tưởng pháo Tết ! Rồi lại về Dầu Giây, không dép, không giày…
Du lịch trên sông Saigon
    Nhân dịp cậu Bốn vào chơi, mình theo cậu lên Saigon, ghé thăm chị Bích – Anh Hà Cân, chồng chị, GĐ sân bay Tân Sơn Nhất) – Chị Bích hợp tác đóng chiếc tàu, kinh doanh du  lịch, nhưng chưa có tài công, chị gợi ý lên giúp chị. Vậy là mình xin nghỉ day một năm, không biết công việc thế nào, nếu “hỏng giò” thì chết ! Anh Ba – Trưởng phòng Giáo Dục – đồng ý.
    Khi tàu đi vào hoạt động, ngoài tiền lương, còn có tiền “tip” của khách, thu nhập gấp nhiều lần khi còn đi dạy. Bến tàu thuộc công viên Bạch Đằng – Saigon. Chú Bình – Công an đường sông – nhận đồng hương Quảng Nam, chú sốt sắng mời về nhà chơi. Mình nhờ chú cho Thục Nghi, Khánh Phi ở nhờ đi học, hơn nữa chú thường vắng nhà, cô Huệ đơn chiếc. Nghi học lớp 11, Phi học lớp 8.
    Mình xin đi học lớp thuyền trưởng tàu sông hạng 3, có sự giúp đở của chú Bình, mình lái tàu kiêm hướng dẫn viên bất đắc dĩ, Khách đủ quốc tịch. Một đoàn khách Đài Loan, trong đó có ông Simon Chiu, tìm hướng đầu tư, thời gian này nhà Nước chưa cho phép người nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Bằng tiếng Anh đủ hiểu, mình góp ý nhờ người thân tại Việt Nam. Ông Simon đề nghị mình giúp tìm hiểu thủ tục và gợi ý giúp việc cho ông, mời đến 240 Võ Văn Tần, Quân 3…
    Mình chỉ bận rộn vào ngày Lễ hay ngày nghỉ. Thường từ 16, 17g là có khách, đôi khi khách tự tìm đến hoặc do nhân viên văn phòng Vidotour, mỗi chuyễn 2,3 tiếng đồng hồ, cả đi và về, mỗi giờ từ 1o đến 15 dollars. Được sống ở Saigon là mong ước, có môi trường tốt cho con học hành. Qua Tết 1991 (Tân Mùi), những chiếc tàu du lịch kinh doanh hợp pháp, bị canh tranh bỡi những chiếc xuồng con, từ Thủ Thiêm tràn qua, hấp dẫn khách du lịch hơn đồng thời giá rẽ. Tiếng Anh của anh em thuyền chài thật siêu đẳng, nếu muốn nói 5 dollars, thì giang hai tay ra, miệng nói “Ten dollars”, sau đó dùng bàn tay chặt “bụp” ở giữa, vậy là Tây hiểu liền, OK, OK lia lịa.
    Tháng Giêng bắt đầu ế khách, chị Bích quyết định đột ngột :”bán tàu !” Mình bất ngờ, hốt hoảng như lăn xuống địa ngục ! Lấy gì cho con ăn, học ở Saigon ? Nhà thuê của chú Đạt ? Không lẽ về Dầu Giây, tiếp tục gõ đầu trẻ ?
    Sực nhớ đến ông Đài Loan – Simon Chiu _ Mình tìm đến 240 Võ Văn Tần, ông Simon niềm nở, vào thẳng vấn đề :” Giúp Tùng (em cô Hồng – người thân ông Simon) xin giấy phép kinh doanh, thuê mặt bằng, lập xưởng sản xuất “Beachball” – Vợt bóng nước – Tìm nguồn nguyên liệu, ván ép, liên hệ công ty xuất nhập khẩu (Bitex – Q.6). Mình thở phào nhẹ nhỏm, có quới nhân phù hộ !
 Từ trái : Ô.Simon Chiu, khách hàng và mình
    Khi thành lập công ty Tân Việt Thành, ông Simon mua căn nhà 382/9 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 làm văn phòng. Mình liên hệ thuê xưởng, thuộc Kho vận Thủ Đức để gia công, hàng xuất sang Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha…
Beach Ball
    Tháng lương đầu tiên, ông Simon gửi mình bằng một phong bì lịch sự : 200 USD ! (bằng 4 chỉ vàng), hơn hai triệu đồng (10.500 VND/USD) ! gấp 10 lần chị Bích trả lương. Vậy là các con có điều kiện học hành, mình bàn với Thái xin nghỉ dạy để lo cho các con, căn nhà chú Đạt ở Q.5 tiếp tục thuê…
Cùng anh em trong công ty - "Swimming Pole"

    Năm 1991, Phương thi Đại học hỏng, mình xin cho Phương phụ bán cà phê ở sân bay Tân Sơn Nhất, chờ ôn thi. Rồi lại cho xuống xưởng Thủ Đức làm công nhân, đi bằng xe đạp 30 cây số. Hơn một tháng, Phương đã ý thức việc học là quý,  năm sau đỗ ba trường và đã chọn đại học kinh tế. Năm 1992, Thục Nghi tốt nghiệp cấp 3, mình xin ông Simon cho nghi vào làm kế toán, vừa học vừa làm…Lại xin cho Thái làm cấp dưỡng, đang làm cô giáo, lại chuyển nghề đi chợ, nấu ăn ! Cũng vì cuộc sống mà thôi.
    Thời gian sau, ông Simon có đơn đặt hàng làm “swimming Pole” – Hồ bơi trẻ em – nhập thêm máy móc, nguyên liệu về gia công, tuyển thêm công nhân và huấn luyện, chia ca làm suốt ngày đêm…
Đến bây giờ, ông SIMON CHIU vẫn là NGƯỜI BẠN LỚN của gia đình mình. Thật đau buồn khi nghe tin ông đã qua đời, sau cơn bạo bệnh, ông SIMON CHIU mất tại Đài Loan ngày 21.10.2012, hưởng dương 52 tuổi.

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KY 11

    Căn nhà mái tole, nhưng mát mẻ, hai cây xoài trước sân, mảnh vườn nho nhỏ. Quán tạp hóa trước ngõ, mắm, muối, dầu chè…Mình mua chiếc TV màu, mỗi tối cả xóm đến xem, nói cười rộn rã…
    Địa phương cho ruộng canh tác. Xóm Hố linh thiêng, hầu hết là bà con Quảng Nam, anh Tình mì Quảng, anh Pha (Trung úy BB) - Chị Hòa, anh Khánh (Đại úy BB - USA), Chị Lệ Phương -  anh Tòa (Đại úy BB – cha của Hoài Linh - USA), anh Năm Bọ, Dí Bá (Dũng, Mận…- USA), anh Đông xe Lam, chú Sự, anh Hòa, Bác Sáu Khang (đã mất) có vườn sầu riêng, chôm chôm ngút mắt…Chỉ gần hai năm thôi, bao nhiêu tai nạn giao thông đã xãy ra, trên hai đầu dốc Ba Cô - Xóm Hố. Con chú Vạn – bé Chù - lon ton chạy theo cha phơi lúa, xe be đâm vào nhà chú H. lái xe và cả những người ngồi trên cabin chết cháy, Thục Nghi lượm củi cao su, tắm hố bom, may nhờ các anh đi cùng…nắm tóc kéo lên ! Lần khác, qua nhà anh T. bên kia đường, mượn bao tải về gặt lúa, Nghi bị xe “húc” văng vào lề đường, suýt chết. Mình đạp xe về, chở Khánh Phi theo sau, ngang nhà, chưa kịp dừng, Phi nhảy xuống, chạy băng qua đường, tiếng xe ô tô phanh gấp, rít lên mặt đường nhựa…
    Từ Phòng Giáo dục về, ngồi trên xe Lam, xe mất phanh lao vào xe tải, hoảng hồn mình phóng xuống, “tụt” cả mảng da tay, còn xe Lam ủi vào đống cát bên đường, mọi người không sao cả ! Nằm nhà với cánh tay băng bó, buồn tênh. Bỗng Thục Nghi la lên hốt hoảng :”- Phi rớt giếng Ba ơi !” Mình nhảy xuống, vớt con lên, nâng Phi lên khỏi đầu, mọi người thả dây, kéo hai cha con, may giếng đào, nước cũng không sâu.
    Cái dốc xóm Hố đầy tai ương, Thục Nghi (10 tuổi) lén đạp xe lên chợ, xe không phanh, lúc về thả dốc, chạy như tên bắn, quá nhà lên đầu dốc bên kia hơn trăm mét mới dừng’
   Phạm Hữu Phước lúc này chuyển nghề, làm anh phó nhòm chụp hình đám cưới :”- Mầy có nghe chương trình ODP không ?” Anh Tòa, anh Khánh, anh Pha góp ý “- Đi Biên Hòa xem sao ?” Kéo nhau photo giấy tờ ra trại, gởi sang Bankok, mình chưa đủ ba năm (20/6/75 – 20/11/77). Mong ngày ra đi, tìm tương lai cho con.
    “ Đánh Xuân Lộc không được, giờ đây Quân Đoàn 4 cộng quân tập trung quân đánh vào khu vực Ngã Ba Dầu Giây, là vị trí trách nhiệm trấn giữ thuộc Trung Đoàn 52 Bộ Binh của Đại Tá Ngô Kỳ Dũng. Muốn đi vòng Xuân Lộc để tiến về Biên Hòa và Sài Gòn, thì Quân Đoàn 4 cộng quân phải đánh bứt các vị trí của Trung Đoàn 52, để từ đó theo Quốc Lộ 20 tuôn xuống phía Nam. Đại Tá Dũng và chiến sĩ của ông ở trong một tình thế thật hung hiểm, số ít đối đầu với số đông đã đành, mà địa thế khá là bằng phẳng và trống trãi ở khu vực trách nhiệm rất không thuận lợi cho một cuộc phòng thủ lâu dài. Phía cộng sản, với giá nào chúng cũng phải đánh thủng chiến tuyến, dù có phải thí quân tàn bạo đến như thế nào đi nữa. Ngày 13.4.75, trận đại chiến giữa Trung Đoàn 52 và quân cộng bắt đầu tái diễn. Vẫn một trận bão pháo kinh khủng trút vô giới hạn xuống vị trí của Tiểu Đoàn 1/52 . Dứt pháo, Trung Đoàn 33 cộng quân thuộc Sư Đoàn 6, hò hét xung phong biển người lên giao thông hào của chiến sĩ Tiểu Đoàn 1/52 đang trấn giữ ấp Phan Bội Châu. Quân ta vừa chống trả vừa lùi dần về phía Ngã Ba Dầu Giây. Đại Tá Dũng lệnh cho Tiểu Đoàn 3/52 của Thiếu Tá Mỹ cấp tốc hành quân đến giải vây cho Tiểu Đoàn 1/52, rồi cùng kéo về ấp Nguyễn Thái Học. Nóng lòng cuộc tử sinh của chiến hữu, hai đại đội còn lại của Tiểu Đoàn 3/52 suốt đêm lầm lũi xuyên qua những cánh rừng lá thấp bụi rậm giăng mắc, để cuối cùng bắt tay được với 1/52. Hai tiểu đoàn quân số đã sụt xuống con số đau lòng, chỉ còn 1/3 số tay súng khỏe mạnh, cùng bảo vệ nhau kéo ra khỏi Ngã Ba Dầu Giây, trong khi đó thì Tiểu Đoàn 2/52 đã tách ra khỏi Trung Đoàn để về trấn giữ tỉnh lỵ từ mấy ngày trước theo lệnh của Chuẩn Tướng Đảo. Như vậy, Đại Tá Dũng chỉ có thể xoay sở với hai tiểu đoàn thiếu của ông để chống ngăn cơn sóng hung bạo của cả một sư đoàn lên đến 9 tiểu đoàn.”
“…. Trận đánh đẫm máu tại ngã ba Dầu Giây vào chiều ngày 15/4/1975:
Chiều ngày 15 tháng 4/1972, bộ tư lệnh quân đoàn 4 CSBV điều động sư đoàn 341 tổng trừ bị phối hợp với 2 trung đoàn của CT7, 1 lữ đoàn chiến xa T 54, một số tiểu đoàn đặc công, tổng quân số khoảng 20 ngàn, đã đồng loạt tấn công cường tập vào tuyến phòng thủ trung tâm của chiến đoàn 52 tại ngã ba Dầu Giây. Sự tương quan về lực lượng quá chênh lệch, 1 người lính của chiến đoàn 52 phải chống trả với 10 Cộng quân, ngoài ra đối phương còn áp đảo về hỏa lực pháo binh.
Trận chiến diễn ra thật khốc liệt ngay từ những giây phút đầu. Với chiến thuật sử dụng pháo để khống chế chiến trường, sau đó tung bộ binh tấn công bằng biển người có chiến xa yểm trợ, sau 3 giờ giao tranh đẫm máu, Cộng quân đã tràn ngập các cụm điểm phòng ngự của chiến đoàn 52, chia cắt sự liên hoàn trong phòng thủ của các đơn vị thuộc chiến đoàn này dọc theo Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20. Một điều không may xảy ra cho chiến đoàn 52 là do trời tối, 4 chiến xa M 48 lại bị trúng đạn pháo kích của CQ, Không quân khó quan sát để thực hiện các phi vụ oanh kích, nên sự yểm trợ hỏa lực của Thiết giáp và Không quân cho các vị trí của chiến đoàn 52 gần như bị tê liệt."
"Sau khi đã chia cắt lực lượng của chiến đoàn 52, Cộng quân tung đợt tấn công từ bốn phía để cố chiếm lĩnh trận địa. Trước áp lực mạnh và lối đánh thí mạng tàn bạo của đối phương, phòng tuyến ngã ba Dầu Giây bị vỡ, lực lượng của chiến đoàn còn khoảng 2 đại đội đã mở đường máu vượt thoái được. Dù chiếm được ngã ba Dầu Giây sau 6 giờ ác chiến, nhưng đến 1 giờ sáng, “đại quân” CSBV đã bị tổn thất nặng khi hai trái bom khổng lồ Daisy Cutter- gắn trên C-130 do 1 phi công VNCH điều khiển, được thả xuống khu tập trung quân của các sư đoàn chủ lực CSBV: Toàn bộ khu vực thị trấn Dầu Giây rung chuyển như một trận động đất lớn, đèn phụt tắt, làn sóng vô tuyến của CQ tức khắc im tiếng, bộ chỉ huy sư đoàn 341 và khoảng 7 ngàn quân CSBV bị tiêu diệt bởi hai quả bom này."
    Hỡi các vong hồn tử sĩ, là người Việt Nam. Nguyện cầu anh linh các vị sớm siêu thoát ! Về cõi Vĩnh Hằng.
"Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Quang Dũng
   Nơi này không ổn, nhân dịp trường Ngô Quyền qui hoạch, phân lô cho giao viên làm nhà, lại cần mua bắp trả nợ “đối lưu” xi-măng, làm nhà cho Lũy. Mình bán nhà cho cô T. công tác tại phòng Thương nghiệp, huyện Thống Nhất, chưa được hai tháng, cô T. bị xe tông chết trước nhà ! Chú Vạn cô Thỏa mua lại, cũng đầy chuyện không may…
   Chú Tám Hiền (đã mất 1995) hướng dẫn mua vật liệu xây dựng với giá phân phối, anh Năm Hường thi công, nhà xây không tô, mái tole. Rút kinh nghiệm, cửa nẻo đàng hoàng, có chuông nuôi heo. Mình dạy thêm tại nhà, học trò nghèo trả học phí bằng chôm chôm, em nào khó quá thì thôi. Hè đi bồi dưỡng học sinh giỏi toán lớp 9 ở Huyện, việc trường bận rộn luôn tay.
    Cuối niên khóa 1987 – 1988, mình được phân công phó chủ tịch hội đồng coi thi huyện Vĩnh Cửu. Vừa về đến nhà nhận được điện tín của Lũy “ Ba đã mất, anh về ngay” – Đó là ngày 30/5/1988 (15/4 âm lịch, Mậu Thìn).

    Mượn thêm ít tiền cùng Khánh Phương, Khánh Phi về tang ông Nội. Nhờ anh Trang xin xe tải quá giang, đến Phan Rang xe hỏng, ba cha con thuê phòng trọ qua đêm, nhờ xe đi tiếp về Đà Nẵng. Đến nhà Lũy, Ba đã được an táng bên mẹ tại Cẩm Hà ! Vậy là không thấy mặt cha lần cuối !

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KỲ 10

    Ra trường, mình về trường cấp 1, 2 Bàu Hàm 2 mới xây, do chị Phạm Thị Bím (Quê Thái Bình) làm hiệu trưởng. Vì thiếu giáo viên cấp 2, mình được “đôn” lên dạy toán khối lớp 9. Lớp do mình dạy đầu tiên, có học sinh Võ Hoài Linh (con anh Tòa, chị Lệ Phương – danh hài sau này). Cuối năm thi tốt nghiệp, mình lại được phân công chấm thi, mình đã nâng đở cho em P. Con lão T. trưởng ấp ngày nào, với cái giấy mời, không tên tuổi…
    Ngã ba Dầu Giây thuộc xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, Tỉnh Đồng Nai, nằm trên quốc lộ 1A và lộ 20 đi Lâm Đồng, Đà Lạt. Nhiều bà con từ Đại Lộc, Duy Xuyên, Thừa Thiên, Quảng Trị di tản vào đây, định cư, gia tài mất hết, các em làm gì có giấy khai sinh ? Mình bảo lãnh, gia đình bổ túc sau, cho kịp năm học mới. Họp hội đồng, mình bị phê bình mới lạ ! Sao lại tổ chức “bổ túc văn hóa” ? Mình được Nông trường cao su mời dạy “bổ túc” cho cán bộ, mỗi tuần ba buổi, gặp Phù Chí Ích (sĩ quan quân cảnh), Ích mua cho bao thuốc Jet bỏ túi, “- Mầy phải đi giao tế…”
o O o
    Công việc tạm ổn, hè 1984 mình về thăm cha. Một mình cha quạnh quẽ bên căn nhà tồi tàn, bây giờ rách nát hơn, vợ chồng Ngọc, Lũy thỉnh thoảng về quê. Đã gần bốn năm rồi, từ ngày ra đi, thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Mình thưa với cha :”- Chúng con tạm ổn định, con muốn đưa Ba vào ở với tụi con, ở đây một mình không ai chăm sóc…” Cha suy nghĩ, rồi đồng ý. Căn nhà và hoa lợi trong vườn, giao cho anh Ngộ.
Cầu Rồng - Đà Nẵng
    Hai cha con ra Đà Nẵng, bàn với vợ chồng Ngọc, Lũy. Trước mặt cha và hai em :”- Anh đưa Ba vào sinh sống cùng anh, nhà của Ba Mạ, căn trước giao cho vợ chồng Tường Ngọc, căn sau vợ chồng Lũy Phước…” Mua vé tàu, hai cha con lên đường.
    Nguyện với lòng, chăm sóc cha chu đáo, dù cuộc sống còn khó khăn, ở nhờ, nhưng không sợ đói. Cha thấy hai vợ chồng con đều đi dạy học, nghĩa là được hòa nhập với cuộc sống như bao người khác. Nếu ở quê miền Trung lại khác, mình nhớ ơn tất cả mọi người ở Dầu Giây và đất Đồng Nai đã nâng bước chân mình, để bước tiếp trên con đường còn nhiều gian lao, trắc trở.
    Được một thời gian, Cha nói :”- Đây là vùng đất dễ sống, hay là con về Đà Nẵng bàn với mấy em dời vào đây, muốn dời thì phải bán nhà…” Nhưng mình nghĩ khác, trước hết các em phải có việc làm, đừng như con, hoàn cảnh con khác các em. Lúc này Lũy bị mất việc, Tường không đi rừng nữa, vì mỗi ngày quản lý rừng chặc chẻ hơn. Mình nói với anh Hiền (GĐ Nông trường Cao su Dầu Giây) cho Lũy làm cán bộ nhà đất, Tường làm bảo vệ. Mình được cấp lô đất hơn 200 m2, gần văn phòng Nông trường Cao su. Cha rất mừng, hối thúc Lũy, Tường gởi gấp hồ sơ.
Rừng Cao su
    Mình về lại Đà Nẵng, bàn với các em. Căn trước bán được 5 chỉ vàng, giao cho Tường Ngọc 2 chỉ, Tường mua khẩu súng bắn chim hết 1 chỉ ! Lũy ở lại chờ bán căn sau. Mình cùng gia đình Tường Ngọc và hai cháu Thành, Công lên tàu vào Dầu Giây. Mua mảnh đất sau nhà chú Bảy Cấn hết 2 chỉ. Khi Lũy bán xong, sẽ mua tole chở vào, lợp nhà còn dư, bán kiếm lời. Mình mua xi-măng, gạch “đối lưu” bằng bắp để xây nhà cho Lũy – Nông trường cho xen canh vào các lô cao su mới trồng, mình tỉa bắp đậu chờ thu hoạch – Tường Ngọc lên rẫy nhìn sướng con mắt, mình sẽ cho hai em canh tác mùa sau…
    Vợ chồng Lũy vào, có thêm tiền sau khi mua tole. Cha vui lắm, nhà Lũy xây xong, cha và Lũy vào ở, gia đình Tường Ngọc tá túc với mình. Thu hoạch bắp không đủ trả xi-măng, gạch. Lũy nói hết tiền, mình đành thiếu nợ. Lũy được phân công phụ trách nhà đất, tham mưu cho công đoàn nông trường làm “xà-phòng”, tay nghề non yếu, thất bại, mất niềm tin ở ban Giám đốc. Lũy xin nghĩ, bán nhà lại cho Thầy Thành, về Đà Nẵng mua nhà ở chợ Cồn ! Nợ xi-măng, mình gánh trả. Ít lâu sau, cha cùng Tường Ngọc cũng về, Cha ở với Lũy. Có nhiều nỗi buồn, không biết tỏ cùng ai !
    Một người khách quen, cuối tuần thường ghé tiệm sửa xe, chiếc honda 68 đầy bùn đất, mình đã sửa xe này nhiều lần. Bất chợt ông khách hỏi thăm :”- Thợ sửa xe sao gọi bằng Thầy ?” - Dạ, Giáo viên làm thêm… Ông khách nhìn quanh :”- Hôm nào lên Lâm trường Mã Đà, tao cho ít cây làm nhà…” Nghe, cám ơn, rồi quên mất. Đất nông trường đã cấp cho, mình lên Mã Đà…
Mã Đà sơn cước anh hùng tận” là câu truyền tụng trong dân gian vùng đất nguyên sơ ở Đông Nam Bộ. Ngày xưa Mã Đà là giang sơn của các bộ tộc người S’tiêng và Châu Mạ. Được coi như là cõi ma thiêng nước độc “đi dễ, khó về” đối với những ai mang tham vọng mạo hiểm vào “miền đất chết” này để làm giàu. Nơi đây vốn là quê hương lâu đời của những loài cây cổ thụ có tên và không tên, của những vạt rừng già mênh mông không vết chân người, của những con suối chảy xiết như suối Mã Đà, suối Ma Sô, suối Đạt Bo, suối La Mách… Mã Đà còn là đất thánh của các giống thú lạ lẫm với con người như hà mã, voi, cọp, beo, gấu, khỉ, dọc… là sào huyệt của các giống bò sát như trăn, rắn, thuồng luồng, cá sấu, kỳ đà…
Vùng rừng Mã Đà trong hệ thống rừng Đồng Nai có nhiều đồi núi cáo như đồi Bằng Lăng, đồi Quít Rừng, đồi Tam Cấp… Một vùng rừng rậm bát ngát gần như bất khả xâm phạm đối với con người. Con người trở nên bé nhỏ và bất lực trước thiên nhiên đầy rắn rết, muỗi mòng, đỉa vắt. Đặc biệt là đối với mầm sốt rét kinh niên và bất trị. Đa số người lên “khám phá” Mã Đà xưa kia đều mất mạng vì chứng sốt ác tính, một số khác mắc bệnh vàng da, chữa trị lâu ngày mới hết.
Suối Mã Đà với hai nhánh nhỏ là suối Ràng và suối Rạc là những con suối “giết người”. Nước suối đục ngầu pha màu đỏ chảy như thác. Cây mã tiền mọc thành rừng trên đầu nguồn dòng suối. Trái mã tiền rất độc rụng đầy theo dòng suối, cá chày ăn phải trái mã tiền bị say chất độc và chết tức khắc. Những con cá chết dạt theo dòng nước xiết, miệng há hốc, mắt ứa máu tươi như những con người bị giết oan. Trái đười ươi rụng trên mặt đất ăn mát ruột nhưng cũng dễ gây bệnh sốt rét vì nước bẩn thấm vào.
Chủ đồn điền người Pháp Oderra trồng cao su ở Rạch Đông (thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) có rất nhiều vợ, trong đó bà Chanh được ông ta yêu quý nhất. Một buổi sáng bà Chanh đang bơi thuyền dạo chơi trên sông Đồng Nai thì bất ngờ con sấu đỏ mũi nổi lên, quẫy đuôi hất bà nhào xuống sông. Để trả thù cho vợ, Oderra thuê người ngăn dòng Rạch Đông rồi lừa con sấu đỏ mũi vào đó để bắt sống. Oderra tìm thấy trong bụng con sấu dữ, tất cả nữ trang đắt tiền của vợ mình.
Trên đây là những câu chuyện của Mã Đà vào những năm 1920 -1930. Ngày nay, “huyền thoại Mã Đà” đã đi vào quá khứ. Vùng đất này nay thuộc địa bàn của huyện Vĩnh Cửu có dân cư tập trung sinh sống.
    Có hai chỉ vàng, “ông khách cho cây” là chú Tư Lợt – Giám đốc Lâm trường – “- Mầy mua mấy khối ?” – Cháu có chừng này ! “ Duyệt 6 khối, chuyển nhà máy cưa, nói quy cách, họ cưa cho !” Qui cách là gì, Chú ? “- Thầy giáo mà lơ mơ, là 4x8, 6x12, 7x14…làm cột, làm kèo !” Chú Tư cho xe chở về tận nhà Má Cấp, gần 8 khối, nào ván, nào gỗ đủ cở. Bán bớt 3 khối, hơn vốn, mình làm căn nhà gỗ, mái ngói đẹp nhất xóm, nhưng cửa sau có khung, thiếu ván, Dọn về nhà mới, ngủ say, Em học trò ở trọ - cháu cô Dung – “- Đôi dép mới đây, bây giờ…biến mất !” đêm đến trộm quơ hết áo quần, còn lại chỉ vàng trả công thợ, cũng mất ! Mất luôn đôi kính cận thị của Thái, đúng là “nhất y nhất quởn” Thầy cô cứu trợ khẩn cấp, mua lại kính cho Thái, cho quần áo…đi dạy.
    Đầu năm học 1984 – 1985, khánh thành trường cấp 1,2 Ngô Quyền. Mình và Thái chuyển sang dạy ở đây. Trong kỳ Đại hội công nhân viên chức, mình được bầu làm thư ký công đoàn. Sự mâu thuẩn giữa cô Bím và Thầy Hiếu (Hiệu phó). Thầy xúi dục học sinh nói xấu thầy cô, gây mất đoàn kết trong hội đồng giao viên. Kết quả, Thầy bị bãi miễn Hiệu phó, chuyển đi trường khác. Cô Bím lúng túng, không phân được thời khóa biểu, mình đã giúp cô ổn định năm học mới.
    Mình bị bệnh dai dẵng mấy năm nay, đi tiêu ra máu, người nói viêm đại tràng, kẻ khám trỉ nội, trỉ ngoại lung tung, thân thể gầy còm, đạp xe không nổi lên dốc trường, cân nặng 45 kí. Don vệ sinh văn phòng, mình thấy mấy lọ “Flagyl” – rối loạn tiêu hóa – uống đại mấy liều, không ngờ bệnh thuyên giảm hẳn và hết đến bây giờ ! thật là “phước chủ, may thầy”.
   Mấy tháng sau, cô Bím xin chuyển về Thái Bình, thầy Trần Bất Diệt làm hiệu trưởng, nhưng thầy Diệt dạy cấp 1, thiếu người điều hành cấp 2. Phòng Giáo dục Thống Nhất đề nghị mình “tạm thời” nhận Hiệu phó chuyên môn cấp 2 ! Thầy Diên lớn tuổi, dạy văn, mát mẻ “ Thời lai đồ điếu thành công dị…
   Khánh Phương đã hết lớp năm, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi toán, thi tỉnh được giải nhì.
o O o
    Ngồi uống cà phê với anh Hòe, mình nói chơi là định bán nhà. Ông thông gia anh Hòe hỏi tới, mình nói 8 chỉ vàng, lấy lại tiền làm nhà vì đất của Nông trường cấp ! Không ngờ về nhà, ông ấy mang vàng qua năn nỉ, mua cho con trai sắp lấy vợ. Vậy là bán !
   Mình mua lại mảnh đất của chị Lệ Phương hết 3 chỉ, trước khi làm nhà là làm… “cầu tiêu”,  chạy vào lô cao su, là nỗi ám ảnh không nguôi. Nhớ đến cảnh cả nhà “nín” ỉa, mà rơi nước mắt !

   Thục Nghi đang được bồi dưỡng học sinh giỏi Văn ở Trảng Bom, về nhà không biết ba mẹ dọn đi đâu ?

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KỲ 9

THA PHƯƠNG 

   Khởi hành từ 14g ngày 02/9/1980 – Qua Nam Phước, dành lại đủ tiền đi đường và trả tiền xe, minh mua heo con và hai heo thịt, hy vọng bán kiếm lời. Tâm trạng lo âu bị thu mua, với hàng loạt trạm “quản lý thị trường”, Ngã ba Phú Tài, Thuận Hải, Ngã ba Dầu Giây…Tình cờ gặp anh Pha (đã mất 1995), vậy là quyết định dừng chân, tá túc nhà anh Pha. Hôm sau thuê xe lam anh Đông, chở heo lên chợ Long Khánh, giá bán không bằng mua, xuống Hố Nai, heo con bắt đầu ỉa chảy, vừa bán vừa lạy, thu được nửa tiền !
    Mua lại miếng đất rìa lô cao su của Năm Bọ, hai chỉ vàng, cây lá tranh tre về làm nhà…Mình với anh Pha làm từ sáng đến chiều, xong cái nhà ! Gia tài chỉ còn lại cái xe đạp mi-ni và chút ít tiền mua đồ nghề.
Rừng cao su
    Chú Bảy Cấn cho ngồi trước nhà sửa xe, bên cạnh tiệm hớt tóc anh Tình, tiệm may chú Ri (đã mất), tiếng khen, lời chê, tay nghề non yếu, vinh nhục đủ điều. Lão ấp trưởng T. chân thọt, gởi giấy :” Mời ông sửa xe và ông hớt tóc…đúng 8g ngày….có mặt tại văn phòng ấp, không được vắng mặt… “, chú Bảy xem giấy, rồi nói “- Tụi bay không đi đâu hết, giấy mời phải có tên họ đàng hoàng…” Nhưng mình cũng mua hai điếu thuốc SAMIT, tìm nhà lão..!
    Gần Tết 1980 (Canh Thân), theo mấy chị mua đậu nành, chở lên Saigon bán kiếm lời, mua trước trả sau. Đến ngã ba Vũng Tàu, bị thu mua, chỉ còn đủ tiền mua mấy ổ bánh mì ! Vậy là quần áo mới, giày dép cho con bay theo gió bụi. Chiều ba mươi, chị Lệ Phương (Mẹ Hoài Linh, Dương Triệu Vũ…) cho mấy ký gạo và chai nước mắm, Dì Bá (Mẹ Dũng, Mận…) cho thêm gạo. 
Từ phải : Phương Trâm, Phương Trang, Hoài Linh, Duy Linh, Dương Triệu Vũ (cu Tin) và Phương Trinh
Mùng một, Phương, Nghi thấp thỏm nhìn sang hàng xóm, áo xanh, áo đỏ…Chờ anh Pha, chị Hòa, Chị Phương…lì xì cho con, Ba mượn, để đi trả lễ ! Nhớ trước Tết, mình lên quán cà phê của Cẩn (Nguyễn Văn Cẩn – bạn học Nguyễn Duy Hiệu – mất 1992), Cẩn hứa trưa ba mươi cho mượn 5 đồng, uống xong ly cà phê, nấn ná chờ bạn, gần trưa bạn nói không có, lòng mình đắng ngắt ! Bỡi vậy, mình nguyện phải thực hiện lời hứa cho bằng được, nhất là những ai khó khăn hơn mình.
Từ trái : Dương Triệu Vũ, chị Lệ Phương, anh Tòa và Hoài Linh
    Khánh Vỹ biết bò, nhưng èo uột vì suy dinh dưỡng, kể cả Khánh Phi, để đâu ngồi đó. Thái bán mì Quảng ở chợ Dầu Giây. Sáng mình đi làm, xách theo xô bột, chiều về tráng mì đến khuya, Bình minh chưa ló dạng,  nghe còi công trường cao su tò te, thức dậy, xắt mì, làm gà…Ngày đầu tiên, Thái nói lời 10 đồng, cả nhà mừng vui, các con có cái ăn, Khánh Phương, Thục Nghi gặm xương cười toe toét…Nhà lại có khách, cậu Bốn dắt em Hạnh (con dì Chín) ghé thăm, vừa mừng, vừa lo, lấy gì đãi khách ? gánh mì để lại…Thái bán được nửa tháng, không bán nữa, hỏi ra ngày nào cũng lỗ, nhưng sợ anh…buồn ! Nợ mấy con gà, hơn chục ký gạo, thôi đành bán chiếc xe đạp mi-ni trả nợ.
Mì Quảng
    Đang đi bộ lên dốc Ba Cô, bất ngờ gặp Phạm Hữu Phước (cùng K22/HQNT), đẩy xe chuối từ ấp Ngô Quyền, mồ hôi đẩm lưng, bên chiếc xe thồ cải tiến từ cái sườn mobilette, hai thằng nhìn nhau mừng mừng, tủi tủi !
    Hết bán mì, xoay qua bán chè. Hồi còn ở quê, mình xuống Vĩnh Điện tìm nhà Cương (cùng lớp Nguyễn Duy Hiệu) – Cương là ca sĩ của lớp, “Ai lên xứ hoa đào”, “Biệt kinh kỳ” với tiếng hát ngọt ngào của cô bé tóc dài, buộc tròn thả dọc lưng thon – Hoa, em Cương hướng dẫn mình nấu chè, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu ván…đá bào nhuyển.
    Vùng Đông Nam bộ bắt đầu mùa mưa vào tháng 5, tháng 6. Sáng sớm, Thái gánh chè lên chợ, trời đổ mưa bán ế, trưa ăn thay cơm. Con không quen, ỉa chảy, không tiền mua thuốc, nhưng Trời thương, rồi cũng qua.
o O o
    Tình cờ có anh hỏng xe, ngồi tâm sự, biết cùng hải quân, anh là thượng sĩ. Anh mời lên Saigon, nhà ở quận 4, anh tặng đồ nghề, mấy thùng sách, nào là “Thiên Long Bát Bộ”, “Anh Hùng Xạ Điêu”, “Phong Thần diễn nghĩa”, “Cô gái Đồ Long”…Mình nghĩ : cho thuê sách. Không may, Nông trường cao su giải tỏa đất lấn chiếm, dỡ nhà ! Dì Ba Nhựt cho ở nhờ, “túp lều của chú Tom” không biết lớn cỡ nào, nhưng “nhà” mình, mái lá, không vách, gần cầu tiêu lộ thiên nhà hàng xóm.
    Dầu Giây là vùng đất hứa, nơi dung thân của nhiều anh em sĩ quan cải tạo như mình, rất đông bà con nhập cư, từ miền Trung vào sinh sống. Có lẽ vậy, nên nhiều người thích đọc sách, đễ lãng quên phần nào trong cuộc đời khốn khó. Mỗi ngày cho thuê gần trăm cuốn sách, mỗi cuốn 50 xu, tiền cọc 20 đồng. Công việc phù hợp với Thái, mỗi ngày có 50 đồng ! bằng 15 ký gạo. Mình dùng nửa tiền cọc, mua thêm sách…
    Cán bộ địa phương đa số cũng là dân nhập cư, nên có phần cảm thông với những số phận long đong, Chú Tám Hiền – Phó chủ tịch xã Bàu Hàm 2 (đã mất 1993), chú Thanh (bây giờ Bí thư Huyện ủy), chú Sang, chú Cắm, chú Tài, Bác Hai Trác (Chủ tịch - đã mất). Biết bao ân tình không thể trả, Dầu Giây là quê hương thứ hai của mình.
    Đoàn cán bộ Huyện Thống Nhất kiểm tra, quy tội “tàng trữ văn hóa đồi trụy” , tịch thu sạch, kể cả tự điển. Hậu quả càng thê thảm hơn, khi khách trả sách, lấy lại tiền cọc ! Nhìn con thơ mà cười ra nước mắt. Khánh Phương giữ em, hai vợ chồng vào rẫy hái chôm chôm, kiến cắn đỏ người, ì ạch đẩy hai giỏ chôm chôm, hơn ba cây số đường đất đỏ, lời 15 đồng, chưa đủ trả lại tiền cọc một cuốn sách !
Không tiền, cả nhà ăn chuối chiên, bánh bèo chịu của bà T. (Mẹ Thầy Đạt)
     Trước nhà bác Tài Liễng còn khoảnh đất trống, xin bác, mình dựng “túp lều”. Hợp tác với Lộc (mất 1996)  – thợ gò, hàn – mua khung xe đạp hỏng, hàn, sơn lại, có đồng ra đồng vào. Thái, Khánh Phương (7 tuổi) tập vá xe đạp ! Nghĩ lại mà lòng đớn đau thương vợ con và cho một quảng đời chìm nỗi. Túp lều kiêm tiệm sửa xe, không cầu tiêu, Khánh Phương phải chạy vào lô cao su khá xa, nên đành tập…nhịn !
    Cuộc sống quá cơ cực, mình nhờ anh Trang (Hải quân), xin xe đưa Thái cùng ba con về Đà Nẵng, Khánh Phương ở lại với Ba. Gần tuần sau, hai cha con ngồi nhớ mông lung…Bỗng Phương kêu lên :”- Ba ơi ! Mẹ kìa…” Ôi trời ơi, nhìn mấy mẹ con, thân tàn ma dại như chạy giặc, chân không dép, đen đúa như cái bang ! “- Xe đến Đại Lãnh bị…lụt, nằm chờ, không có gì ăn, xin xe quay lại…”
        Khánh Phương lớp hai, Thục Nghi lớp một. Gần cuối năm 1981, Thái đau bụng dữ dội. Bệnh viện Thánh Tâm – Hố Nai chẩn đoán viêm đại tràng, thuốc trụ sinh mấy ngày, không thuyên giảm. Mình dìu Thái trốn khỏi Thánh Tâm, lên Saigon, bác sĩ bệnh viện Hùng Vương khám xong hô “cấp cứu – mổ ngay, thai ngoài tử cung”. May nhà có phúc, nhưng “triệt sản” từ đây !
    Vậy là đêm ở bệnh viện, gần sáng đón xe về Dầu Giây với con, sửa xe kiếm tiền, nhờ quán cơm Hoa Thời Trang – chú Mỹ - cho con ăn chịu. Cứ thế ! hơn một tháng Thái đã khỏe, mình đở vất vả hơn.
    Hậu quả, Thái không còn thích chuyện vợ chồng, mình mới hơn ba mươi !
“ Quy y từ thưở mặn nồng
Lữa tình rực cháy tấm lòng từ bi”
     Đêm về trằn trọc, những cuốn sách là người bạn thân thiết, dỗ dành giấc ngủ…
    Đầu năm 1982, nhờ Thầy Đức (Hiệu trưởng – Trường Bàu Hàm 2) xin cho Thái học lớp “sư phạm cấp tốc” dạy cấp 1. Thời gian này Đồng Nai thiếu giáo viên trầm trọng. Sau ba tháng học ở Biên Hòa, Thái được phân công về trường Bàu Hàm 2. Mình đã có cơ hội làm quen các Thầy, nhất là Thầy Huỳnh Văn Ba (đã mất) – Trưởng phòng Giáo dục huyện Thống Nhất, quê Gò Nổi, Điện Bàn – Mình tặng thầy bài thơ :

THĂM QUÊ


Hôm tôi v thăm quê hương
Đ
t phù sa Gò ni
Dòng sông Thu ch
ng h thay đi
H
p ri chia ôm p trn tình người
Nh
ư lòng dân Gò Ni vi đi
Lao xao sóng g
n vn  li thu chung
Xa quê lòng nh
khôn cùng
Cây đa Bàng Lãnh kiên trung  đ
i ch
Đ
n bom la di tng gi
Quê tôi cày nát, r
ng ngơ ngác bun
Ch
ng còn gì na đâu
L
i cũ làng xưa
Đây  Xuân  Đài đ
ng ni
M
Hoàng Diu vi tng cơn bão ni
Sinh
đt Gò, đa táng cũng ngàn năm
"Nh
t t thành danh, t c anh hùng phi s nguyn
Bình sinh trung nghĩa, đ
ương niên đi cuc khi vô tâm"

Gò N
i ta ơi lòng M thăng trm
Đ
t "Ngũ Phng T Phi" rng ngi gương chính  khí

Hôn tôi v
thăm quê hương
Đò xuôi sóng v

Bãi dâu xanh t
ơ vàng ánh nước
L
i cũ đến trường nh chuyn ngày xưa
L
i cũ đến trường hai bui sm trưa
Chi
u Bo An nghe miên man dòng nh
Tr
n Cao Vân âm vang muôn thu
Đ
t phù sa Tư Phú rng danh Người

"Ngó lên Hòn K
m đá dng
Th
ương cha nh m quá chng bn ơi"
L
i ru nh mãi muôn đi
Tình non tình n
ước tình người thu chung

Phan Nguy
n Châu Uyên
Ngã ba D
u Giây - Đng Nai
1982
    Thái được đi học sư phạm, nhân tiện mình xin cho Lan - nhà đối diện - đi cùng. Má Lan (Bà Cấp – mất 2008) nhìn mấy cha con, chiều về hiu quạnh dưới túp lều quá tệ, nên cho ở nhờ. Nhà Má Cấp hai tầng khang trang, Lan đi không người trông nom, Má dọn về dưới rẫy…Thật mà như mơ, các con có chỗ ngủ đàng hoàng, vệ sinh không phải chạy vào lô cao su xa ngái ! Thục Nghi bị chàm ăn chân, lỡ loét, nghe lời lang băm, mình dùng thuốc rê bó chân con, con say thuốc, tái xanh, suýt chết.
   Mình lại mở lớp dạy kèm, luyện thi “một thầy, vài trò…con nheo nhóc bốn đứa”. Đến bây giờ, mình không hiểu nhờ “nghị lực” nào, mình đã vượt qua ?
    Mấy tháng sau, mình cũng xin đi học “sư phạm cấp tốc”, lý lịch như mình mà được đi dạy, nghĩ cũng lạ ! Nhập trường hai ngày, mình được bầu làm lớp trưởng, có giấy mời lên Sở Giáo Dục Đồng Nai gặp ông Ba Th. – Giám Đốc sở - . Ông Th. Lật đi lật lại hồ sơ của mình rồi hỏi “- Tại sao anh xin đi học sư phạm ?” Mình lo lắng và hồi hộp, phen này thì thôi rồi, mình mong ước được làm những gì hợp với mình, thế mà…
-         Thưa chú, ngày còn là sinh viên, tôi đã ước mơ làm thầy giáo, thời gian qua, sau khi đi cải tạo về, tôi đã dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ địa phương, nếu chú cho, tôi sẽ tiếp tục ước mơ của mình, còn không thì tôi cám ơn và chào chú !
-         Vậy anh có hiểu nền giáo dục nào cũng phải phục vụ chính trị cho chế độ ấy không ?
-         Thưa tôi hiểu !
-         Thôi được, anh tiếp tục về trường…
    Ôi ! cái điều lo nghĩ đã qua, từ bây giờ bốn đứa con, được ăn theo cha mẹ, có gạo, nhu yếu phẩm hằng tháng, không còn phập phồng bữa đói, bữa no, không còn ăn chịu bánh bèo, chuối chiên với dầu cao su !
    Ban cán sự lớp được ở phòng riêng, cuối tuần về nhà, trong lớp đa số là nữ, từ khắp nơi thuộc tỉnh Đồng Nai. Những khuôn mặt trẻ trung, hồn nhiên đã đưa mình vào mộng mị…
“Hãy quên đi một chuyện tình buồn
Vừa len lén vào hồn nhung nhớ
Dặn lòng quên sao nghe lòng nức nở
Nhớ ai cười mà mắt biếc long lanh…
Hãy quên đi, một chuyện tình mong manh
Như áng mây xa du vào hồn ta..."




Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

NỖI NIỀM - PHAN NGUYỄN CHÂU UYÊN - KỲ 8

CHƯƠNG IV
VỀ QUÊ VÀ THA PHƯƠNG

    Tháng 6 năm 1975, cha mẹ quy cố hương – Cha 59, mẹ 51 và mình chỉ mới 25 – Cha mẹ dường như đã già hơn mười tuổi. Cái nôi thời thơ ấu, gần như hoang phế bỡi chiến tranh, gạch vỡ vây quanh làm tường, mái tole cũ tạm bợ. Cha ốm yếu, mẹ và Thái không biết làm ruộng, hai con còn nhỏ…
    Mình đi trả công thay mẹ, đàn ông như mình quá tệ, xóc đầu này lại tuột đầu kia, không gánh nổi hai bó lúa, lưng còng như con tôm, quỵ xuống bên bờ ruộng, thôi đành vác từng bó lên vai…Chú sáu Bề nói thôi, không gánh nữa, gom lúa đã gặt, chú gánh giúp. Đứng trên mảnh ruộng này, là rộc Ngang, đám Lớn, bàu Lát…cha đã dành dụm, không dám ăn tiêu để có nó. Bây giờ của HTX, mình đi làm thuê.
    Cha đã làm đơn hiến đất, mong thằng con hưởng lượng “khoan hồng”, không hiến cũng không xong. Ký ức thời thơ ấu tràn về, như dòng thác lũ, mình đã dẩm đạp từng hàng lúa non, khi cha cầm roi rượt đánh thằng con mất dạy, cha đứng bờ đông, con chạy bờ tây, cha ho rũ rượi nhưng chẳng làm gì được thằng con !
Cha và Mẹ
    Năm 1955, cha mẹ về quê lập nghiệp, xây căn nhà ngói ba gian, to nhất làng, hàng keo quanh vườn, cây mít, giàn trầu, cam quýt, ổi, thơm ngon. Những trưa hè yên ả, mình cùng anh Ngộ, thằng Dần lên Miếu Bà “ném” xoài. Những trái xoài chín vàng lựng trên cao, thằng Dần, anh Ngộ dành nhau, đánh nhau…Mùa đông, sáng tinh mơ, cha co ro trong chiếc “tơi lá”, ho sù sụ bỡi căn bệnh phổi mãn tính, chèo ghe nan dỡ lờ. Những con cá rô, cá tràu, cá diếc óng ánh bạc vẫy đành đạch, ăn không hết mẹ rửa sạch, muối để dành.
Nguyễn Văn Đạt (Ngộ)
    Mẹ - con gái thành phố - theo cha về làm ruộng, tất bật với heo gà lam lủ. Tấm lòng rộng lượng của mẹ ai cũng quý, trả công còn tặng thêm, cảm thông với những  mảnh đời nghèo khó. Chú Ba Diện không vợ con, là người giúp việc thường trực trong nhà…
o O o
    Mình đã học được nghề gò từ trại cải tạo, xin ngồi trước nhà bác B. (gần HTX Hiệp Thành), công xá từ những chiếc thùng tưới, thùng gánh nước, thay đáy thùng…mỗi chiều về, cũng mua cho mẹ chút trầu cau, mua cho con chút đường, thay sữa ! Đêm về, bên ngọn đèn dầu, lật ngữa chiếc xe đạp, nghiên cứu, vẽ cách đan tăm, tháo ra, lắp vào đến sáng chưa xong, tìm hiểu để làm thêm nghề sửa, vá  xe đạp. Lão Mười Xoa – có tiệm sửa xe ở chợ Bình Long – hung hăng :”- Mầy là ai mà ngồi đây ?” Thân phận “chưa có quyền công dân”, đâu dám nói gì…!

THÂN PHẬN


Mẹ tần tảo nuôi con
Đêm mưa và ngày nắng
Cằn cỗi cuộc đời nước mặn đồng chua
Quê ta nghèo mùa được mùa thua
Theo gió bão sớm dưa chiều muối
Tuổi tám mươi Mẹ chưa một lần tiếc nuối
Nuôi con khôn lớn những ngày
Gắng học nên người
Tạo dựng ngày mai
Đời của Mẹ qua rồi thời nô lệ
Đời ta nghèo, nhà ta bao thế hệ
Nước ta nghèo cần chất xám nơi con

Nhưng Mẹ ơi, con chờ đợi mỗi mòn
Xin làm những gì hợp với nghề con
Người ta bảo anh nên làm ruộng rẫy
Và con rất tự hào hăng say cày cấy
Cử nhân như con biết mấy vạn người
Đạp xe thồ, bốc vác chợ trời
Hay tay lấm chân bùn như con của Mẹ
Nên đàn em con
Chẳng học hành ra lẽ
Vì tương lai không định hướng nên người

Bên lề cuộc đời sớm hôm con quạnh quẽ
Ôi quê hương bình minh chưa hé trời đông
Hãy chung tay cùng dựng ánh mai hồng
Cho quê hương bừng lên khởi sắc
Không còn hận thù, phân chia Nam Bắc
Để dựng xây nhà máy, công trường
Để đàn em con hớn hở đến trường

Để con Mẹ chẳng còn bỡ ngỡ
Nhìn quê hương mà ngỡ quê người...

Phan Nguyễn Châu Uyên
1978
    Ngày 20/7/1978 (16/6 Mậu Ngọ) đưa Thái ra Đà Nẵng, chờ sinh Khánh Phi.
    Ngày 21/7/1978, Nguyễn Ngô Khánh Phi ra đời.
    Chiều 22/7/1978, Mẹ móc hết tiền trong túi được 6 đồng  để mình ra Đà Nẵng.
    Đến bến xe chợ Cồn gặp bà ngoại, từ Hòa Châu ra thăm con gái, hai mẹ con vào bệnh viện…
    Khoảng 5g chiều ngày 23/7/1978, mình đan lại cái nôi, mượn cô Ngọc, bỗng Phước – hôn thê Lũy - chạy vào hớt hơ, hớt hãi :”- Anh Châu, bác gái…mất rồi !”
Như tiếng sét bên tai, bàng hoàng…mình mượn xe honda cậu Ngãi, chở em Ngọc chạy bay về quê, trời mưa lâm râm, qua cầu Thanh Quýt đường trơn, anh em ngã lăn quay, dựng xe chạy tiếp về đến ngỏ Nghè Mai, tuôn luôn xuống ruộng, bà Ba Ra kêu lên :”- Con ơi ! Mạ con…”
    Vất xe nhà chú Dần, hai anh em chạy bộ về nhà. Trời ơi ! Mẹ tôi mới hôm qua…làm sao kể hết nỗi đau đớn trong lòng ! Mẹ muốn ra thăm cháu, Lũy chở mẹ bằng xe đạp ra đường cái, “- Mạ đau đầu, chóng mặt Lũy ơi…” rồi ngã xuống đất, mọi người dìu vào nhà bà Ba Ra, thì mất – 14g ngày 23/7/1978 (19/6 Mậu Ngọ)
Các cháu bên mộ ông bà
    Như vậy, mình cải tạo về, cuối tháng 11/1977, đến khi mẹ mất 23/7/1978, mới hơn 7 tháng !
o O o
    Cha cho mấy cây cột “mùn”, mình cùng anh Ngộ kéo xe “bò” ra Hòa Châu, ông bà ngoại cho tre, bà ngoại làm gà ăn cơm tối, anh em đẩy xe về trong đêm.
    Chú Liếng giúp làm nhà, cha dạy đánh tranh rạ, trộn đất sét với rơm làm vách.
    Nhìn con còi cọc, mình ăn trộm con gà của cha, đêm tối bắt nhầm con gà mái đẻ, cha chửi quá trời ! Không có gì mời “quan viên”, lại nghe nói xương chó hầm đậu xanh trị bệnh ghẽ lở trẻ con, mình lừa con chó của cha chạy xuống mương thủy lợi, trấn nước, đãi khách !
    HTX cần người đo đạc. Mình cùng anh Khóa, Nguyễn Đức Thu lập nên “bản đồ giải thửa” đầu tiên. Ngày đi ngắm, cầm “mia”, đêm về dạy bổ túc văn hóa, mình dạy các môn tự nhiên; Trần Hoài Thanh dạy văn, Nguyễn Đức Thu dạy “toàn bộ” cấp 1, Thầy Điểu quản lý, Tào Bạn – Bí thư xã đoàn – hiệu trưởng. Mỗi mùa được chia 60 kí lúa “điều hòa
   Nhờ Ngô Minh Hiền, mình xin được mảnh đất mười mấy mét vuông, gần ngã ba đường cái cũ, thuê người san lấp vội. Mùa gặt đã qua, nhờ học viên bổ túc về dỡ nhà, băng ruộng, dựng lên nền đất mới (nhà bác Hiệp, bây giờ). Thái không hay biết gì, cha cũng ngỡ ngàng, không biết thằng con “khiêng” nhà đi đâu ? Dựng nhà, lợp mái, chỉ trong…một ngày. Thuê cô Mận, gánh gạch từ căn nhà đổ nát của cha, xếp lên làm vách, cửa nẽo trống trơn, cha cho tủ thờ, ông bà ngoại cho bộ bàn ghế.
    Đếm về, khóa xe đạp vào chân tủ thờ, sáng ra mất xe, mất hết quần áo, mất cả kính cận thị của Thái. Nhìn sang bên kia đường, vài chiếc áo trẻ con tơi tả, may sao kính của Thái chơ vơ trên bờ ruộng. Chú Dũng (Trung) gọi con nhà ông Tư hàng xóm, đo chân, bị chửi té tát.
    Thật Trời có mắt, Thái cuốc đất gieo mạ, lượm được khâu vàng. Không dám đi thử vì sợ vàng giả, nhờ em Lan (con dì Bảy) bán dùm, em Lan nói cân được chỉ rưỡi. Mua lại xe đạp, có vốn chạy quanh tìm xe đạp cũ, lấy phụ tùng. Nhớ mãi Trần Lý (Thiếu úy không quân - bạn học Nguyễn Duy Hiệu) cũng có tiệm sửa xe đạp và bán phụ tùng ở gần tháp Bằng An – Điện An. Mình học cách vá xe đạp, “lộn sên”, cân vành…
Nguyễn Ngô Khánh Vỹ - Sa Như Bích
    Ngày 05 tháng 10 năm 1979, Nguyễn Ngô Khánh Vỹ ra đời, sau Khánh Phi 15 tháng !
o O o
    Sau ngày mãn tang mẹ, cha cùng mình làm đám cưới cho Lũy.
    Dượng Tường (chồng cô Ngọc) cho chiếc xe Lambretta, sơn sửa lại thật đẹp. Anh công an huyện Điện Bàn gạ đổi honda 67, mình lại tu bổ ngon lành, nhưng không có xăng để chạy. Để bán có giá, mình tháo tung theo sách dạy :”mở trước, lắp sau”, chùi rữa cẩn thận, đến piston, xy-lanh cạo trắng tinh, còn dùng giấy nhám đánh bóng loáng ! đến khi ráp vào không biết cái nào trước, cái nào sau. Nửa đêm, chạy vào nhờ anh Lê Cao Diện (Thư ký UB xã Điện Phước – GĐ/BHXH Điện Bàn sau này) – Gần sáng, đổ xăng, nó nổ rầm trời, tệ hơn lúc chưa sửa, do xy-lanh không còn kín hơi, nhờ vậy mình biết sửa xe máy. Bán cho anh H. – trại gỗ Hiệp Thành – được 4 chỉ vàng. Mình mua lại xe Suzuki, cũng của dượng Tường, không xăng, đắp chiếu. Trần Hoài Thanh mượn đi Đà Nẵng, lúc về nổ banh lốp, không có lốp để thay, mình đổi ngang chiếc xe đạp duya-ra, kẻ trộm lấy mất.
    Không thể sống như thế này, mình xin cha cho đi kinh tế mới tự túc, cha ngậm ngùi, cha chỉ nói :”- Con còn nhỏ dại, biết làm sao ? an tâm mà đi,ở nhà có em Ngọc, Lũy…” Bán lại cơ ngơi cho anh Hiệp, bà bốn Nam trả một cây, anh Hiệp đưa 8 chỉ. Ngày 2 tháng 9 năm 1980 lên đường, anh em HTX cho thịt, anh Diện cho cái mùng, hàng xóm cho xôi, học trò bổ túc tiễn đưa gia đình Thầy, vào nơi vô định…