Lễ Phật đản 1963, chùa Hạ Nông không một
bóng cờ, Bác Xứng tụng kinh cầu an, cầu siêu – Ngôi chùa đã được trùng tu do
cha cúng dường tam bảo – Ngày khánh thành (1962), mình cùng anh Ngộ, thằng Dần
theo đoàn Phật tử chạy tung tăng. Mẹ nấu cơm chay, thiện nam tín nữ thọ trai ai
cũng khen, nồi chay có khoai lang, mít chín cả xơ lẫn múi, đậu xanh, đậu phụng
tươi giả nát, rau sống thơm nồng…
Anh Tâm (Thuỳ) mặc áo quần phật tử, mình
xin mẹ may áo lam, quần cộc xanh theo đoàn Phật tử. Nhưng cha không cho, cha
bảo :“ Dù xây chín bậc phù đồ, sao bằng làm
phúc cứu cho một người “ – “ Phật tức tâm, tâm tức Phật”
Mình theo Bác Xứng lên chùa tụng kinh Vu
Lan báo hiếu, cha bảo : “ Tu đâu cho bằng
tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là đi tu “
Ngày 11.6.1963 Thượng Toạ Thích Quảng Đức
tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt (CMT8)
Ngày
20.8.1963 Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp Phật gíáo, các thầy ở chùa Tỉnh hội
Hội An bị bắt…học sinh nghĩ học, thị trấn Vĩnh Điện đìu hiu ! Bác Xứng nói ai
theo Phật giáo là bị bắt bỏ bao bố thả sông, cầu Kỳ Lam biết bao nhiêu người
chết, còn hơn đập Vĩnh Trinh năm nào…
“…Nhiều vụ giết người tập thể trên sông Vu
Gia, sông Thu Bồn, ở đập Vĩnh Trinh, đập Thạch Bàn (Duy Xuyên), động Hà Sông
(Đại Lộc). Hàng trăm người bị chôn sống trong những hố đào ở trường học Phước
Đức (Quế Sơn), 21 người bị chôn sống ở Phước Viên (Thăng Bình), 31 người bị
chôn sống ở bến Lò Vôi, Xuyên Trà (Duy Xuyên), hàng chục người bị chôn sống tại
Cồn Ba Cây (Điện Nam), bãi sông Tư Phú (Điện Hồng), hơn 150 người bị chôn sống
ở Giếng Lạng (Tam Kỳ)…”
Cha nghe radio la lên : “ Đảo chính rồi ! anh em Ngô Đình Diệm, Ngô
Đình Nhu bị giết – Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn…đảo chính thành công rồi”
Đồng bào Phật giáo hò reo, thị trấn Vĩnh
Điện tưng bừng như mở hội, ai cũng hân hoan như mình vừa thoát chét – Đó là
ngày 01.11.1963
Năm
1963 – 1964, cái mốc lịch sữ khó quên ở thế hệ mình, chế độ gia đình trị Ngô
Đình Diệm đã cáo chung. Phong trào “Ba
sẳn sàng” như vết dầu loang khắp làng quê, huyện lỵ Điện Bàn, từ Vĩnh Điện
về Bình Long, Phong Thử. Đường Quốc lộ đã bị đào nham nhở, một số thằng không
đi học nữa, xung phong vào du kích làm cảnh giới cho Giải Phóng quân. Anh Đông
con bà Tiếp còn khoe với mình quả lựu đạn, thằng Cật con bà Nhì, thằng Diên con
ông Hương Hoá, cái xóm Nga Tiền chỉ gần mười nóc nhà, mấy thằng ngang lứa
mình đã ra đi. Thằng Diên đeo lựu đạn bằng nịt dây chuối quanh lưng quần, cảnh giới
ở cầu Bình Long, mấy ngày sau nghe tin nó banh ruột, vì chơi với quả M.79 vàng
choé quay chưa đủ vòng.
Liệt Sĩ Nguyễn Văn
Dần
Thằng Dần rủ mình về quê ăn khoai lang
nướng mẹ nó mới đào, mấy đứa đạp xe qua khỏi tháp Bằng An, gần đến ngõ Nghè
Mai, Chánh Chước đã nghe rộ tiếng súng, mấy người gánh lá dâu băng qua đường
chạy về hướng thôn Nông Sơn…thằng Dần nói đó là quân Giải Phóng.
Những ngày mùa đông buồn da diết, thằng
Thân Tám (Thân Hùng – đã mất 2009) rủ
mình qua bến xe Vĩng Điện coi xác Việt Cộng mới bị bắn chết, bỗng nó khóc oà
nói là chú nó ! Không khí chiến tranh tràn vào lớp học, thằng Dần theo anh Đông
đi du kích, lớp học thưa dần…
Cây
Tháp Bằng An
Thầy Phan Chánh Dinh (Nhà thơ Phan Duy Nhân) dạy
bài cuối cùng, bài thơ của Yên Thao : “Nhà tôi”
NHÀ TÔI
Tôi đứng bên này
sông
Bên kia vùng giặc
đóng
Làng tôi đấy, sạm
đen màu tiết đọng
Tre, cau buồn rũ
ướt mưa sương
Màu tráng vôi lôm
lốp mấy khung tường
Nếp đình xưa người
hỡi, đau gì không ?
Tôi là anh lính
chiến
Rời quê hương từ
dạo máu khơi dòng
Buông tay gầu vui
lại thuở Bình Mông
ghì nấc súng nhớ ơi, ngày đắc thắng
ghì nấc súng nhớ ơi, ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên
nẽo đường vạn dặm
Áo nào phai không
sót chút màu xưa
Đêm hôm nay tôi trở
về lành lạnh
Sông sâu mừng lấp
lánh sao lưa thưa
Tôi có người vợ trẻ
Đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi
cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm
thơm mùa lúa chín
Ai ra đi mà không
từng bịn rịn
Rời yêu thương nào
đã mấy ai vui
Em lặng nhìn với
lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà
nghe hồn nhỏ lệ
Tôi còn người mẹ
Tóc ngã màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gầy uốn nặng
kiếp long đong
Nắng mưa từ thuở
tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho
lòng héo hon
Ôi xa rồi, mẹ tôi
Lệ nhoà mi mắt
Mong con phương
trời
Có từng chợt tỉnh
đêm vơi
Nghe giòn tiếng
súng nhớ lời chia ly
-
Mẹ ơi, con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc
con về mẹ vui
Đêm hôm nay, tôi
trở về lành lạnh
Sông sâu mừng lấp
lánh sao lưa thưa
Chiếc quần nâu đã
vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi mơ
về Nguyễn Huệ
Làng tôi kia, bên
trại thù quạnh quẽ
Trông im lìm như
một nấm mồ ma
Có còn không em
hỡi, mẹ tôi già
Những người thân
yêu khóc buổi tôi xa ?
Tôi là anh lính
chiến
Theo quân về giải
phóng quê hương
Mái đầu xanh bụi
viễn phương
Bước chân đất đạp
xiêu đồn luỹ địch
-
Này, anh đồng chí
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ ?
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành ?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo lại nhầm nhà tôi !
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn thiên lý, có người tôi thương
(1949)
Quê mình chìm trong khói lữa, máy bay ném
bom tan tành ba cây đa cổ thụ, cô dượng Ngũ ra đồng, cà nông rơi trúng hầm, xác
năm đứa con không đứa nào còn nguyên vẹn.
Mới sáng sớm, quân Giải phóng về tử hình
thôn trưởng Nông Sơn, lại bắn thêm thằng em từ ngoài đồng chạy về vì nghe tiếng
súng…Chùa Hạ Nông vắng dần thiện nam tín nữ, Bác Xứng vẫn chiều chiều dộng
chuông thinh không, vang vọng cõi trần ai, nhà ông Đốc Thiên – cháu cụ Trần Quý
Cáp – cũng quạnh quẽ vắng ngắt.
Cả gia đình mình tản cư ra Đà Nẵng, Cha lấy
lại căn nhà cho thuê ở đường Phan Chu Trinh, gần ông bà Ngoại. Mình được
gửi trọ ở nhà ông Nữa - bảo vệ trường Nguyễn Duy Hiệu – Cuối tuần mới về.
Thầy Phan Chánh Dinh, cô Dương Thị Ngân Hà, thầy Trần Văn Tường cậu Lê Văn Đa
cũng ăn cơm trưa ở nhà ông Nữa cùng trò.
Cô Ngân Hà và Thầy Trần Văn Tường
Những buổi chiều tan học, sân trường vắng
hoe, thỉnh thoảng cô bạn học Phan Thị Tuyết Hoa xinh xinh ở trọ bên kia đường,
mang áo quần xuống giặt ở bến sông, trước nhà mình trọ, lòng mình buâng khuâng,
mong đợi không nói nên lời…
Một lần trong giờ toán của thầy Tường,
không biết thằng nào viết lên bảng :”Bạch
Tuyết + Cúc B kết hợp” Thầy Tường gọi mình lên tát cho một tai, tá hoả tam
tinh ! Mãi gần 50 năm sau, Phạm Văn Đức mới nhận là thủ phạm, trong lần hội ngộ
sau gần năm mươi năm ở nhà mình trước mặt thầy Tường !
Năm đệ lục (1963-1964) mình cùng thằng
Diên, thằng Chung, thằng Ký thức trắng đêm làm bích báo. Lớp do thầy Võ Toàn
Trung làm giáo sư hướng dẫn. Nghe nói thầy Trung sau này là Biên tập viên Cảnh
sát ở Hội An.
Từ thị trấn Vĩnh Điện về quê gần ba cây số,
nhưng xa xăm vời vợi, dòng sông Vĩnh Điện thỉnh thoảng mang những xác người bị
trói ké sau lưng, trôi xuôi theo dòng nước đục ngầu.
Cuối năm dệ Ngũ
(Lớp 8, 1964-1965) đang hăng say học
tập vì lần đầu tiên mình xếp hạng cao trong lớp, nhưng lớp chỉ còn hai mấy đứa,
phải nhập chung hai lớp Pháp và Anh. Cha lại chuyển trường ra học ở Đà Nẵng,
hụt hẫng với môi trường mới, bạn bè mới : Trường
Sao Mai.
Ngôi trừong Sao Mai đã cho mình biết bao kỹ
niệm êm đềm. Một anh học trò nhà quê ra phố ngớ ngẫn, tự ti, mặc dù là ngôi sao
tỉnh lẽ ! Sự hoà nhập thật khốn khổ, cuối năm cấp hai chẳng để lại ấn tượng gì,
ngoại trừ những lần ê mặt vì không cân bằng được phản ứng hoá học, không giải
được phương trình bậc 2 ! Chỉ còn nhớ : “
Tình Delta âm vô nghiệm muôn đời…”
Đêm Noel cùng bạn bè mới tung tăng, nhẩm
tụng kinh Phật thay vì kinh Thánh, Sao Mai là trường Công giáo, đứa nào cũng có
tên Thánh, tụi nó đặt tên thánh cho mình là…”Luxiphe”,
mình hãnh diện với tên Thánh ấy, mặc dù không biết ông Thánh ấy là ai !
Cha gầy dựng sự
nghiệp, mở xưởng mộc cỏn con, quy tụ con cháu chạy loạn từ quê ra…anh Bồng, anh
Ghè, anh Ngộ sốt rét vàng da, bủng beo học bào, học cưa. Cha mẹ bao bọc cả nhà
chú Dần, cô Ngũ…chạy đi thuê nhà cho gia đình bác Xứng. Anh Hiệp học may, em
Bình đi ở đợ cho dì Chín.
Một lần đi học về, gặp lại cô bé ngày xưa
Phan Thị Tuyết Hoa, Hoa học trường Bồ Đề, đưa nhau về ngang nhà mình rồi thôi,
còn Hoa về bên khu định cư An Hải, bên kia sông Hàn, qua cầu Trịnh Minh Thế
(cầu Trần Thị Lý)
Cầu
Trịnh Minh Thế - 1966
Những ngày nghỉ học lang thang, đạp xe qua nhà Tuyết Hoa, đi trên đường
cát hun hút với tiếng vi vu của phi lao, đến tận bãi tắm Mỹ Khê. Ngồi bên nhau
im lặng, rồi về !
Anh Bồng, anh Ghè bị bắt lính, cha bó tay vì không có thợ, lại cùng bác
Hương Ngân làm hương (nhang), cha đi bộ xuống chợ Hàn mua hương liệu, tăm
nhang, bảo thằng con chở về, mình xấu hổ sợ gặp bạn bè…Mẹ đi làm sở Mỹ, chiều
nào về cũng có quà, hôm thì socolate, kẹo, đồ hộp. Em Ngọc đi học nửa chừng, chưa
hết Đệ Lục (lớp 7) thì nghỉ, cha cho đi học may, em Lũy vào lớp 2…Cậu Bốn (Đa)
và chú Thành đi thầu giặt đồ Mỹ, tối về cả đám thi nhau lục túi quần, túi áo,
tìm được tiền đô, có khi đồng hồ, bút máy. Cả nhà thi nhau se nhang, dán bao,
vào bao đi bỏ mối, hàng xóm cũng làm gia công…
Niên
khóa 1965 – 1966
mình học đệ Tứ, nhờ cô Bạch thu ngân ở trường Sao Mai giới thiệu, mình đi dạy kèm, bây giờ
gọi là gia sư. Mình đã bắt đầu có bạn đến nhà chơi, thằng Vĩ Văn Thông, Tôn
thất Hoàng Tú, Trần Đình Định, Lê Quang Chính con thầy Lê Cần. Sau này thằng
Thông thi hỏng tú tài 2 vào không quân làm pilot trực thắng, thằng Tú học y
khoa Huế làm bác sĩ, thằng Định làm luật sư ở Mỹ, thằng Chính là giáo sư dạy ở
Singapore.
Năm
1966 – Phật Giáo đem bàn thờ xuống đường…
Tất
cả các trường ở Đà Nẵng bãi khóa, các Thầy ở chùa cùng bàn thờ Phật Tổ tràn
ngập các con đường Ông Ích Khiêm, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu…Lực lượng TQLC từ
Saigon bay ra trấn áp, thành phố Đà Nẵng như chiến trường.
Một tuần mấy lần, Trần
Đình Định đạp xe lên rủ mình đi tắm biển Mỹ Khê. Cha Định là ông Trần Quốc
Thái, con nuôi ông Ngô Đình Cẩn làm quận trưởng Điện Bàn. Sau ngày lật đổ Ngô
Đình Diệm 01.01.1963 bị ở tù, nhà cửa bị tịch thu, Định là thằng bạn thân nhất
với mình. Thầy Vĩnh Linh, Thầy Thanh dạy toán, Thầy Trần Đại Tăng (nhà thơ Trần
Hoan Trinh) dạy đại số, Thầy Hương dạy lý hóa, Thầy Lê dạy sử địa, Thầy Đòan
Đức Triệu dạy văn, Cô Điểu dạy vạn vật, Thầy Hoàng Ngân Hà dạy anh văn, Cha LM
Vũ như Huỳnh dạy pháp văn…Thầy Vĩnh Linh sau năm 1975 làm đại biểu Quốc hội.
Ngày
đám giổ ông Ngoại, mình lén lấy xe mobilette của chồng dì ba Cẩm dắt ra đường
leo lên đạp nổ máy, chạy một mạch đến ngã tư Phan Chu Trinh – Lê Đình Dương,
chạy nhanh quá nên khi rẽ sang đường bị ngã chổng vó lên trời, trầy xướt chân
tay, xe bị quẹo cổ, mình cố dắt về nhà, may mà các cụ đang nhậu chẳng ai hay !
Anh em trong nhà hơn kém nhau vài tuổi như Lực (con dì Năm – mất năm 2011), Thạnh (con dì Bảy), Vân (con cậu Bốn Đa – mất năm 1972) Ai cũng thương Vân vì nó là cháu nội, mình ra đời sớm nhất trong các cháu nên được ưu ái của các dì, các cậu, chưa vợ chưa chồng. Đi học về mà không ngủ trưa, chân không mang guốc là chết với dì Chín, cậu Nghĩa ! Cậu Nghĩa mua sách về bắt đọc, rồi kể lại cho cậu nghe. Ngày dì Chín về nhà chồng, dì dắt theo mình với thằng Vân, bắt ngủ bên dì trong đêm tân hôn, hai thằng ngủ say như chết, sáng ra dì dắt hai thằng về sớm, không biết chuyện gì đã xãy ra !
Anh em trong nhà hơn kém nhau vài tuổi như Lực (con dì Năm – mất năm 2011), Thạnh (con dì Bảy), Vân (con cậu Bốn Đa – mất năm 1972) Ai cũng thương Vân vì nó là cháu nội, mình ra đời sớm nhất trong các cháu nên được ưu ái của các dì, các cậu, chưa vợ chưa chồng. Đi học về mà không ngủ trưa, chân không mang guốc là chết với dì Chín, cậu Nghĩa ! Cậu Nghĩa mua sách về bắt đọc, rồi kể lại cho cậu nghe. Ngày dì Chín về nhà chồng, dì dắt theo mình với thằng Vân, bắt ngủ bên dì trong đêm tân hôn, hai thằng ngủ say như chết, sáng ra dì dắt hai thằng về sớm, không biết chuyện gì đã xãy ra !
Lê Văn Vân - Huỳnh Tấn Lực
Cậu
Ngãi có bồ, đi dạy về tập trung bạn bè đánh bài cả ngày chủ nhật, mình thích
nhất là cậu sai đi mua bánh mì thịt nguội Tiến Thành, trên đường Trưng Nữ
Vương, gần chợ Mới, ôi những miếng ba-tê béo ngậy, jam-bon, chả lụa thơm lừng,
bao giờ mình cũng có phần. Mình với em Lực ra đứng ngoài đầu ngõ, khi nào thấy
bồ cậu đi xích-lô đến, chạy vào cấp báo. Một lần hai đứa ham đi bắn chim, bầy
chim sẽ nhảy nhót trên cây kiền kiền, quên mất phận sự, bồ cậu vào nhà…hai
thằng bị trận đòn tơi tả !
Khoảng năm 1966 – Cậu Ngãi cưới vợ - Mợ Xuân, con nhà danh giá nhất Đà
Nẵng, học trường Tây, cậu làm Précepteur (gia sư) rồi “cua” được mợ.
Mình với khay trầu rượu - đám cưới cậu Ngãi
Thời cuộc đảo điên, nghề làm hương, không phải là nghề của cha. Con cái
vô tư, chỉ biết ăn và học, mẹ sớm đi tối về…Anh Tâm được cha mẹ nuôi ăn học từ
lớp Đệ Thất, chú Mười Thi lang bạt kỳ hồ, ông bà Nội mất khi chú còn bé, cha mẹ
nuôi khôn lớn, cho đi học thợ may, rồi cưới vợ. Có lẽ chú không yêu, sau ngày
thành hôn chú bỏ nhà lên Đà Lạt, thím Mười Thôi cũng vào Saigon đi làm thuê,
chỉ có mẹ gánh hậu quả, không sinh mà có dưỡng, nuôi em Thu từ ngày đỏ hỏn đến
năm, sáu tuổi, thím về xin dẫn đi…
Niên khóa 1966 – 1967, vào Đệ Tam – năm đầu đệ nhị cấp – thêm nhiều bạn
bè mới, lớp đã phân ban, một số học sinh giỏi được chuyển vào trường công lập
Phan Chu Trinh. Thêm môn tiếng Pháp, do Cha Vũ Như Huỳnh phụ trách. Cha là Hiệu
trưởng nên đứa nào cũng kính sợ. Mình là học sinh chăm chỉ có hạng của lớp, Cha
Huỳnh cầm cây bút chì hỏi mình “ – Qu’est ce que c’est ?” Mình lúng túng, nghe
văng vẵng…xích lô, vội trả lời :”- C’est…tông xích lô (un stylo) ! Cha nghĩ mình
nghịch ngợm, thật ra mình chẳng biết gì !
Cha
cho đi học thêm Anh văn ở Hội Việt Mỹ, mỗi tuần ba buổi, Huỳnh Ngọc Lộc chở mình (Lộc, sau này gặp nhau ở Qui Nhơn - Trung sĩ Hải Quân), học thêm toán thầy Trần Đại Tăng (nhà
thơ Trần Hoan Trinh). Lê Quang Chính (con Thầy Cần – dạy Anh văn) cùng lớp, nó
bảo giọng mình đọc tiếng Anh như tiếng…Pháp. Cha mua cho chiếc xe đạp mới, bị
xe jeep của Mỹ cán quẹo cả vành, mình bắt nó đền, mình đem hết khả năng tiếng
Anh sẳn có, kèm theo tay chân, vậy mà mình nhận được câu :” I don’t understand !”
Vào đầu năm học, Đà Nẵng rúng động vì chuyện thầy
Vinh Anh – Hiệu trưởng Phan chu Trinh, đi coi thi bị thí sinh đâm chết ở Nha Trang.
Hầu hết học sinh các trường đi đưa tang Thầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét